Làng Triêm Tây (thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - nằm bên dòng sông Thu Bồn) cách đây 4 năm là bãi đất hoang vắng, bùn lầy. Hằng năm, khi mùa mưa đến thì đoạn sông này sạt lở nghiêm trọng do lũ lụt, người dân không dám sinh sống. May thay, 2 phụ nữ quê ở phía Bắc xa xôi đã đến cải tạo và thay đổi hoàn toàn diện mạo của mảnh đất này.
Cứu đất, cứu làng
Năm 2015, khi tham gia dự án làng du lịch cộng đồng của UNESCO, TS Ngô Anh Đào (quê Hà Nam), Giám đốc Công ty Tư vấn quy hoạch và Thiết kế cảnh quan LAPAT International và chị Vũ Thị Mỹ Hạnh (quê Hà Nội) lần đầu đặt chân đến Triêm Tây. Nằm cách phố cổ Hội An chỉ một con sông, Triêm Tây mang vẻ đẹp mỹ miều của vùng đất nhiều giá trị văn hóa đã mê hoặc 2 phụ nữ phương Bắc. Thế nhưng, ngôi làng này đang đối diện với nguy cơ bị xóa sổ bởi sạt lở nghiêm trọng.
Chị Vũ Thị Mỹ Hạnh giới thiệu về cách chống sạt lở bằng các lớp kè mềm với thảm thực vật ở trang trại An Nhiên Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Trăn trở và tiếc nuối, chị Đào và chị Hạnh trở lại Triêm Tây với khát khao làm điều gì đó để cứu mảnh đất xinh đẹp này. Họ đã lập nên trang trại An Nhiên và bắt đầu nghiên cứu kè chống sạt lở bằng thảm thực vật tự nhiên.
"An Nhiên là cái tên với ý nghĩa tinh thần luôn sẵn sàng, bình thản đón nhận mọi biến cố, những cơn thịnh nộ của thiên nhiên" - chị Đào chia sẻ. Ban đầu, chị Đào và chị Hạnh quyết định trồng thử nghiệm 700 cây dừa nước để giữ đất. Tuy nhiên, sau một trận lụt nhẹ, tất cả gốc cây đều bị nước cuốn trôi, xóa đi cả những công sức, tâm huyết của 2 người.
Không nản lòng, 2 chị kiên trì tìm tòi, nghiên cứu xây dựng mô hình làm bờ kè cũng như tìm các loài thực vật có thể thích ứng với môi trường khắc nghiệt này. Cuối cùng, họ đã tìm ra "bí quyết" làm bờ kè mềm 3 lớp, mỗi lớp trồng nhiều loài thực vật khác nhau.
Lớp dưới bờ sông, các chị trồng cây bần chua chịu mặn, lớp tiếp theo trồng cỏ búa - lớp chuyển giao giữa đất và nước, lớp trên cùng trồng dương liễu. Ở chân mỗi lớp được cắm cọc tre như chiếc khóa sinh học giúp bảo vệ chắc chắn từng loài cây.
"Sở dĩ An Nhiên chọn những loài cây này vì hệ rễ của nó có tác dụng giữ đất, mặt khác vẫn cho phép các loài cây sống cùng, cho phép tạo ra được ổ sinh thái tự nhiên cho nhiều loài. Nguyên tắc lựa chọn các loài là làm sao để có thể mô phỏng quy trình trong tự nhiên, tái lập chuỗi thức ăn trong tự nhiên. Khi cây cối tốt lên, chim chóc về tìm sâu, làm tổ sẽ đem theo các hạt giống khác đến sinh sôi nảy nở. Mình rất hiểu cái gì con người nên can thiệp và cái gì nên để tự nhiên, đó là cách mình chung sống với tự nhiên. Nhiều loài sống chung nhau sẽ hỗ trợ nhau đương đầu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên" - chị Hạnh phân tích.
Ba mùa lũ trôi qua, từ khi có bờ kè mềm với 3 lớp thực vật lên xanh mơn mởn, An Nhiên đã vững vàng trước bao biến đổi khắc nghiệt của thời tiết, như quả ngọt đền đáp cho những vất vả, kiên trì của 2 phụ nữ tâm huyết. Từng cây bần cắm sâu vào lòng sông, những bông cỏ búa trắng tinh mỏng manh nhưng hiên ngang trước gió, rặng liễu vươn mình che chắn cho cả một vùng đất dọc bờ sông. Trang trại An Nhiên trở thành một vành đai bảo vệ cho cả ngôi làng Triêm Tây phía trong.
Hết nỗi lo sạt lở, những năm gần đây, người dân làng Triêm Tây đã yên tâm trở lại nơi chôn nhau cắt rốn để làm ăn, sinh sống. Triêm Tây cũng dần trở thành một địa chỉ sinh thái khá nổi tiếng trên bản đồ du lịch ở tỉnh Quảng Nam.
Bà Lê Thị Hòa, một người dân Triêm Tây, nói rằng nếu không có chị Đào, chị Hạnh tìm cách chống sạt lở thì không biết hiện nay có còn ngôi làng Triêm Tây thơ mộng này nữa không.
Phép thuận theo tự nhiên
Theo chị Đào, việc xây dựng một bờ kè mềm vừa đem lại hiệu quả cao trong việc giữ đất, ngăn sạt lở vừa làm đẹp cảnh quan dọc bờ sông, thân thiện với thiên nhiên. Đặc biệt, chi phí đầu tư ngăn sạt lở ven sông với mô hình bờ kè sinh thái chưa bằng 1/10 kè bê-tông.
Các chị chia sẻ trong những năm đầu tiên, trồng cây sao cho chúng sống và không bị lũ cuốn là điều không dễ bởi những khu vực bị sạt lở cây rất khó sống, phải tốn nhiều công sức quan sát, thử nghiệm. Chị Hạnh kể sau trận lũ năm 2016, công sức của 2 người bị cuốn trôi. Dù vậy, các chị không nản lòng bỏ cuộc mà dựa vào những thứ còn lại để tiếp tục. Hai chị liên tục trồng thay thế, bổ sung ngay những cây khác để chúng có thời gian thích nghi, trụ vững trong mùa lũ năm sau và đã thành công.
"Sau mỗi trận lũ, bọn mình thấy được cái gì thích hợp và thiết kế của năm sau luôn dựa trên những cái còn lại của năm trước. Ứng phó với thiên nhiên đòi hỏi sự kiên nhẫn, phải tư duy và phải luôn hài hòa theo dấu hiệu của nó chứ không nên áp đặt ý chủ quan của mình. Bọn mình chuẩn bị tâm thế để thiên nhiên lấy đi nhưng tìm cách hạn chế mất mát cho những năm sau"- chị Hạnh lý giải.
Hơn 4 ha đất trước đây bị sạt lở, bờ sông dựng thẳng đứng tưởng chừng như không thể khắc phục được thì đến nay, tình trạng xói mòn, sạt lở không còn, rừng bần, rừng cỏ búa đã phát triển xanh tươi. Chị Đào cho hay sắp tới, An Nhiên sẽ hình thành một vùng vườn ươm các cây ngập mặn để đưa mô hình bờ kè mềm lan rộng ra các khu vực bị sạt lở. An Nhiên cũng sẽ được vận hành như một cơ sở đào tạo thực nghiệm. Các bạn trẻ có điều kiện khó khăn sẽ được hỗ trợ ăn ở trực tiếp tại trang trại từ 3-6 tháng để học kỹ năng thực tế.
Kỳ tới: Nữ phó chủ tịch hội khiếm thị đa tài
Nhân rộng mô hình hay
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: "Từ mô hình chống sạt lở hiệu quả của An Nhiên, năm 2018, TP Hội An quyết định áp dụng thử nghiệm cho 400 m bờ sông Cẩm Kim thường bị sạt lở nặng nề, ảnh hưởng đến đất sản xuất. Đến nay, tình trạng sạt lở đã không còn, các lớp thực vật đang phát triển tốt. Phương pháp này tiết kiệm khoảng 70% so với làm kè bê-tông. Sắp tới, Hội An sẽ nhân rộng ra các địa điểm khác".
Bình luận (0)