Dù tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam đã giảm trong thời gian gần đây nhưng mỗi năm vẫn có khoảng 266.000 - 300.000 trường hợp nạo phá thai trong đó có khoảng 5.500- 7.200 trường hợp ở tuổi vị thành niên. Những sinh linh vô tội chưa một lần nhìn thấy khuôn mặt mẹ của mình.
Có thai nhưng không biết
Phòng tư vấn vị thành niên Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình của Bệnh viện Phụ sản trung ương sáng 5-11 tiếp nhận 2 sản phụ "nhí". Trong đó, sản phụ V.K.H.M, sinh năm 2002 được mẹ đưa đến để giải quyết cái thai 8 tuần tuổi.
Một ca tư vấn mang thai ngoài ý muốn tại Bệnh viện Phụ sản trung ương
Theo lời kể của cô bé chưa đầy 16 tuổi, cái thai là hậu quả của mối tình với cậu bạn lớn hơn 1 tuổi ở lớp học thêm. Khi thấy cơ thể bất thường, cô bé hoảng hốt nói với mẹ. Sau khi tư vấn, khám sàng lọc, bệnh nhân được hẹn chỉ định làm thủ thuật hút thai.
Cô bé khác là T.V.A, 17 tuổi ở Hà Nội. V.A kể vài tháng gần đây, em thấy tăng cân bất thường nhưng cho rằng mình "ăn nhiều nên béo" và tìm mọi cách tập luyện để giảm cân. Cho đến khi người gầy mà bụng vẫn lớn lên thì V.A cho rằng mình bị "u cục sắp chết" nên sợ hãi, khóc lóc nói với bố mẹ. Gia đình tá hỏa đưa V.A đi khám thì nhận được tin sét đánh: "V.A đã mang thai 20 tuần". Do cái thai quá lớn, em được chuyển vào Khoa Điều trị theo yêu cầu để làm thủ thuật.
Theo bác sĩ Đào Văn Thụ, Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình, hầu như tuần nào trung tâm cũng phải tiếp nhận vài trường hợp vị thành niên đến xin phá thai. Đến đây có đủ thành phần, từ người đã lập gia đình, người chưa chồng đến trẻ vị thành niên từ 10-18 tuổi. "Do nguy cơ về mặt sức khỏe nên chúng tôi có những quy định khá chặt chẽ khi nạo phá thai ở nhóm đối tượng này là buộc phải có bố mẹ hoặc người giám hộ đi cùng và có giấy tờ, chứng minh nhân thân thì mới được làm thủ thuật. Cũng không loại trừ có những cháu mang thai nhưng sợ bố mẹ biết, thấy bị "làm khó" nên ra các phòng khám bên ngoài để "xử lý". Nhưng đây là quy định bắt buộc nên chúng tôi phải tuân thủ bởi việc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên rất nhiều rủi ro" - bác sĩ Thụ nói.
Bác sĩ Thụ cho biết có nhiều trẻ vị thành niên có tuần tuổi thai lớn hơn tuổi đời. Nhiều cháu bé mới 15 - 16 tuổi nhưng cái thai đã 19- 20 tuần, việc xử lý hết sức phức tạp. Đáng nói là hầu như ngày nào cũng có trường hợp thai trên 12 tuần không thể xử lý bằng việc hút thai nên được chuyển vào các khoa điều trị. "Cách đây ít ngày, tôi đã phải chuyển vào Khoa Điều trị theo yêu cầu một sản phụ mới 16 tuổi nhưng đã "dính bầu" tới 2 lần và lần này cái thai đã 22 tuần nên bác sĩ buộc phải cho bệnh nhân ra thai bằng con đường tự nhiên" - bác sĩ Thụ nói.
17/100 đứa trẻ sinh ra bị từ bỏ
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2014, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam là hơn 302.800 trường hợp được báo cáo. Đến năm 2016 con số này giảm còn 265.500 trường hợp. Những ca phá thai ở tuổi vị thành niên (10-18 tuổi) đã giảm từ 2,4% xuống còn 1,7%.
Theo bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em - Bộ Y tế, các số liệu cho thấy tình hình nạo, hút thai ở giới trẻ đang có chiều hướng giảm về số lượng. Trước đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng phá thai cao, trong đó cứ 1 đứa trẻ sinh ra lại có 1 trẻ bị bỏ đi nhưng từ năm 2010 đến nay con số này giảm dần và đến thời điểm này là 100 đứa trẻ sinh ra có 17 đứa trẻ bị bỏ đi.
Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn cho rằng đây chỉ là con số thống kê trong hệ thống y tế, chủ yếu là y tế công lập, có thể ở các phòng khám tư con số này chưa được báo cáo chính xác. Lý giải sự thay đổi của những con số theo chiều hướng tích cực này, ông Tuấn cho rằng có thể hiện nay, việc tiếp cận được với các biện pháp tránh thai hiện đại đã phần nào hạn chế những hậu quả của "một phút lỡ lầm". "Trước đây, đa số phụ nữ chỉ triệt sản và đặt dụng cụ tử cung nhưng nay, ngoài các biện pháp tránh thai truyền thống thì chị em còn sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại như: thuốc uống, thuốc tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai, miếng dán tránh thai, nếu "trót quên" có thể sử dụng viên tránh thai khẩn cấp" - ông Tuấn nói.
Trong khi đó, theo số liệu ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, mỗi năm có khoảng 5.000 ca nạo phá thai, trong đó có khoảng 18%-20% ở tuổi vị thành niên. "Trung tâm chỉ xử lý những trường hợp thai dưới 12 tuần, bệnh nhân sau khi xử lý được xuất viện trong ngày, còn với những thai lớn trên 3 tháng tuổi đều được chuyển vào khu điều trị nội trú, điều trị theo yêu cầu để làm thủ thuật. Trong số những bệnh nhân đến khám, tư vấn tại đây hầu như ngày nào cũng có vài trường hợp được chuyển khoa vì thai lớn" - bác sĩ Thụ chia sẻ.
Kỳ tới: Mẹ ơi, con đã nên hình!
Những bà mẹ tuổi... 12
GS-TS Nguyễn Thị Hoài Đức, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình, cho biết nghiên cứu của bà và các đồng nghiệp trước đó từng chỉ ra tình trạng nạo phá thai ở vị thành niên Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực và là "top 10" trên thế giới. Đáng lo ngại, tình trạng trẻ em gái ở lứa tuổi 12 có nhu cầu phá thai ngày càng tăng. Không ít cô gái bỏ thai đến lần thứ 3, 4 dù đã được tư vấn về các biện pháp phòng tránh, nguy cơ tai biến sau nạo, hút nhưng chỉ vài tháng sau, vẫn lại khuôn mặt tuổi teen đó đến nhờ các bác sĩ giải quyết.
"Có những cháu học sinh khi phát hiện mang thai đã tự mua thuốc kích thích chuyển dạ theo hướng dẫn trên mạng để phá. Thấy máu chảy cứ nghĩ đó là thai đang ra nhưng thực tế bị băng huyết ồ ạt"- GS Đức cho biết.
Bình luận (0)