Chúng tôi trở lại xã Phú Thanh, nơi rốn lũ trong đợt lũ tháng 10-2020, dọc hai bên Tỉnh lộ 2, những cánh đồng lúa xanh thẳm sắp trổ đòng, báo hiệu một vụ hè thu được mùa. Càng đi vào trung tâm xã, nhiều ngôi nhà bề thế, xây cất kiên cố đang hoàn thiện từng ngày.
Trở lại làm ăn, tạo dựng từ đầu
Xã Phú Thanh, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm ở nơi giao cắt giữa sông Hương và phá Tam Giang nên dòng nước "hỗn" khi lũ đổ về. Trong cơn lũ vào tháng 10-2020, Phú Thanh bị chìm trong biển nước, giao thông chia cắt, đời sống người dân khổ cực. Hơn nửa năm trôi qua, chúng tôi vẫn nhớ chuyến vượt lũ vào cứu trợ người dân xã Phú Thanh bằng chiếc đò nhôm chông chênh. Hôm ấy, trời đã bớt nặng hạt nhưng nước từ thượng nguồn sông Hương vẫn đổ về cuồn cuộn, đục ngầu. Ông Phạm Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thanh, cùng lực lượng của xã đón chúng tôi bằng chiếc đò nhôm gắn máy Kohler băng nước lũ chở mì gói, nước uống, tiền mặt... đến hàng chục hộ gia đình để hỗ trợ. Đón nhận tấm lòng của chúng tôi, người dân nơi đây rất xúc động vì họ được tiếp tế ngay thời điểm lũ còn dâng cao.
Người dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hoạch rau quả ủng hộ người dân TP HCM
Trời về chiều, dọc Tỉnh lộ 2, những đàn trâu, bò thong thả gặm cỏ. Bà Nguyễn Thị Nga (54 tuổi; ngụ thôn Hải Trình, xã Phú Thanh), nuôi hơn 10 con bò, nói rằng đó là gia sản lớn nhất của gia đình. "Tháng 10 năm trước, chúng tôi trải qua 2 đợt lũ, vùng này thấp trũng nên chuồng trại ngập nước, đàn bò bị ghẻ lở kéo dài. Gia đình phải mất cả tháng trời khổ cực chăm sóc, chúng mới hết bệnh" - bà Nga cho biết. Đàn bò sinh nở, bà Nga bán dần những con vừa trưởng thành để có vốn làm ăn.
Sau trận lũ năm trước, bà Nga nói rằng ruộng đồng vùng Quy Lai, Hải Trình của xã Phú Thanh đã phì nhiêu nên vụ đông xuân vừa rồi năng suất khá cao, cây trồng tươi tốt, sai quả.
Người dân không còn vất vả như trước
Xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ở vùng trung du nhưng bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 5 quét qua hồi tháng 9-2020 khiến gần 900 ha cao su bị hư hỏng, gãy đổ, nhiều nhà bị sập khiến cuộc sống người dân rất khó khăn.
Sau bão, nhiều đoàn cứu trợ khắp cả nước đã tìm tới nơi và hỗ trợ người dân những phần quà thiết yếu cùng số tiền khoảng 7 tỉ đồng. Chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ gần 4 tỉ đồng tiền giống cây trồng, vật nuôi để người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Những ngôi nhà khang trang ở xã Phú Thanh, TP Huế
Hiện nhiều cánh rừng cao su ở Phong Mỹ đã tươi tốt trở lại, mủ cao su lại được giá, từ 16.000 - 17.000 đồng/kg, nên người dân có nguồn thu trang trải hằng ngày. Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, cho biết trong số 300 ha cao su bị gãy đổ hoàn toàn, phải chặt bán gỗ; đến nay đã khôi phục được 130 ha cao su non, kế hoạch tiếp theo sẽ trồng lại 170 ha.
Căn nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Thiện (SN 1981; thôn Phong Thu, xã Phong Mỹ) nằm bên dòng Ô Lâu nay đã xây cất khang trang để có thể vững vàng trước thiên tai. Căn nhà ấy được xây dựng bằng những đồng tiền do vợ chồng anh Thiện tích góp cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các đoàn từ thiện (trong đó có bạn đọc Báo Người Lao Động) và chính quyền địa phương sau khi căn nhà cũ bị bão số 5 xô ngã.
Vào tháng 10-2020, khi biết hoàn cảnh của gia đình anh Thiện, Báo Người Lao Động, thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã đến thăm, hỗ trợ gia đình anh 10 triệu đồng. Anh Thiện tâm sự rằng đó là món quà động viên rất lớn đối với gia đình mình. "Khi đó, gia đình tôi rơi vào cảnh khó khăn vì nhà sập, vợ chồng và 2 con phải đi tá túc nhà người thân. Món quà của Báo Người Lao Động đã động viên, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, có thêm kinh phí xây dựng lại nhà" - anh Thiện xúc động nói.
Người dân thôn Hải Trình, xã Phú Thanh, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế ủng hộ gạo cho người dân TP HCM chống dịch
Các xã Quảng Thành, Quảng Phú, Quảng Phước thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế nép mình bên dòng sông Bồ, nơi được xem là rốn lũ của cả tỉnh bởi địa hình thấp trũng. Năm 2020, do thiên tai cực đoan nên nhiều ngôi làng của vùng này bị lũ lụt gây ngập nặng, kéo dài hơn tháng. Ngoài hư hại về nhà cửa, nhiều rau màu của bà con tiêu tan vì bị úng, các loại cây không chịu được nước nhiễm phèn như mía phải chặt bỏ.
Ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, nói giờ đây, cuộc sống người dân đã không còn vất vả, nhờ sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm. Những cánh đồng lúa, hoa màu ở Quảng Phú rất tươi tốt bởi phù sa do lũ bồi đắp.
Đáp nghĩa với đồng bào miền Nam
Trong những ngày này, khi TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam bùng phát dịch Covid-19, cuộc sống đồng bào bị ảnh hưởng, người dân ở xã Quảng Phú lại chung tay đáp nghĩa.
Chị Hoàng Thị Quỳnh Dao (29 tuổi; ngụ thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú), đại diện nhóm Bạn trẻ Quảng Điền, nói rằng sau khi kêu gọi người dân đóng góp, nhóm đã làm được hàng trăm hộp muối sả gửi vào hỗ trợ đồng bào TP HCM, Đồng Nai đang khó khăn vì dịch bệnh. "Những ngày này, đời sống người dân trong đó gặp không ít khó khăn nên chúng tôi muốn giúp đỡ họ. Những năm trước, khi chúng tôi bị ảnh hưởng lũ lụt nặng nề, người dân trong đó không chỉ gửi nhu yếu phẩm cứu trợ mà còn ra tận nơi để thăm hỏi và tặng quà" - chị Dao nói.
Hôm chúng tôi đến, người dân thôn Hải Trình, xã Phú Thanh tất bật cho gạo vào bao rồi bốc lên xe tải, chở đến điểm tập kết của TP Huế để ủng hộ đồng bào đang chống dịch. Hơn 4,6 tấn gạo được gửi vào miền Nam thể hiện tấm lòng của người dân vùng lũ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-8
Kỳ tới: Tà Rùng "rũ bùn" đứng lên!
Bình luận (0)