Xã Hướng Việt nằm trọn trong thung lũng Tà Rùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), bốn phía là rừng và các dãy núi đá vôi. Những ngày này, đứng ở đèo Sa Mù ngó xuống thung lũng Tà Rùng, giữa đồng lúa, bắp, sắn xanh ngút tầm mắt là lố nhố người dân đang lao động cần mẫn.
Người dân xã Hướng Việt thu hoạch bắp đầu mùa
Không ỷ lại, trông chờ vào nhà nước
Vào cuối tháng 10-2020, mưa lớn kéo dài khiến hàng triệu khối bùn đất, đá từ dãy núi Ka Lóc ùng ục tràn xuống thung lũng Tà Rùng. Sau trận lũ bùn, hàng chục ngôi nhà dưới thung lũng này bị hư hỏng, sập đổ; trên 100 ha đất trồng lúa, hoa màu bị vùi lấp sâu 1-3 m. Khi ấy, ở thung lũng Tà Rùng nhìn đâu cũng thấy xác xơ, tiêu điều.
Lũ bùn đổ về trong đêm khiến ai cũng bất ngờ. Nhiều người chỉ kịp bung cửa, chạy thoát thân, không kịp sơ tán đồ đạc trong nhà. Đến lúc trời sáng, họ mới quay lại, nước mắt ngắn dài tìm nhau. Đập vào mắt họ là cảnh nhà cửa, ruộng đồng bao đời canh tác bị đất đá, cây cối vùi lấp thành bình địa.
Đó là hình ảnh trực quan sau trận lũ bùn lịch sử. Còn đây là hình ảnh bằng số liệu mà ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, nói với chúng tôi: "Xã có gần 350 hộ với 1.500 nhân khẩu, chủ yếu là người Vân Kiều. Trước đó, hộ nghèo ở xã chỉ chiếm khoảng 40%, thế nhưng sau đợt thiên tai cuối năm 2020, số hộ nghèo đã đội lên gần gấp đôi".
Theo ông, xã Hướng Việt nằm cách biệt giữa rừng nên cuộc sống của người dân gần như tự cung, tự cấp. Sau thiên tai, họ gặp rất nhiều khó khăn vì ruộng đồng bị khối lượng đất đá khổng lồ vùi lấp, vụ đông - xuân vừa rồi gần như bỏ trắng.
Người dân xã Hướng Việt nỗ lực khôi phục, phát triển sản xuất sau thiên tai
Anh Hồ Văn Kinh (31 tuổi, ngụ thôn Tà Rùng) nói dù khó khăn như vậy nhưng người dân cũng không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Ở bản Tà Rùng, người dân kêu gọi nhau cùng góp công, góp sức khôi phục diện tích đất ruộng bị vùi lấp và nạo vét hệ thống thủy lợi. Họ làm ròng rã cả tháng trời, vừa hì hục dùng sức vừa dùng máy móc, dần dần bờ be ruộng đồng ngày trước lấp ló hiện ra.
Dù không thể khôi phục lại như hiện trạng ban đầu nhưng hàng chục ha đất ruộng của người dân Tà Rùng đã có thể gieo trồng. "Sau khi nạo vét đất đá, bà con gieo cấy lúa trên ruộng có nước cho kịp thời vụ. Còn nơi nước không đến được thì xuống giống bắp, sắn và giống lúa rẫy chịu hạn tốt, với quyết tâm không để đất bỏ hoang" - anh Kinh cho biết.
Không chỉ ở Tà Rùng, dân các thôn còn lại của xã Hướng Việt (Ka Tiêng, Xa Đưng…) cũng đoàn kết, giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai. Tùy theo điều kiện canh tác, người dân chuyển đổi cây trồng một cách phù hợp, cố gắng không để hoang tấc đất nào.
"Cho đến nay, phần lớn diện tích đất ruộng bị vùi lấp đã được khôi phục, người dân đã bắt tay vào sản xuất. Trên địa bàn chỉ còn khoảng 10 ha lúa nước chưa thể khôi phục vì lượng đất đá vùi lấp quá lớn. Sắp tới, từ nguồn hỗ trợ của nhà nước cho các hộ dân, chúng tôi sẽ hướng dẫn, cùng bà con khôi phục những diện tích còn lại" - ông Hồ Văn Sinh khẳng định.
Xã Hướng Việt đã có màu xanh trở lại sau trận lũ bùn lịch sử
Màu xanh trở lại
Ngắm thung lũng Tà Rùng, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt Hồ Văn Vọng không giấu được cảm xúc, thốt lên: "Đã thấy màu xanh rồi!". Ông giải thích rằng sau thiên tai, xã Hướng Việt bị ảnh hưởng rất nặng, ruộng đồng vùi sâu dưới lớp đất cát, đá từ trên nguồn. Đứng phía đèo Sa Mù lúc đó nhìn xuống cả vùng đất trắng như bình địa, chẳng thấy nổi màu xanh.
"Ở đồng bằng, thông thường lũ ngập xong để lại phù sa, cây cối gieo trồng sẽ tốt tươi. Thế nhưng tại Hướng Việt, lũ đi qua để lại đất đá, cây cối ngổn ngang, trồng cây gì cũng khó. Dù vậy bằng sự quyết tâm, người dân địa phương từng ngày vượt qua khó khăn, cuộc sống dần hồi sinh"- ông Vọng tin tưởng.
Trong trận lũ bùn năm ngoái, gia đình ông Hồ Văn Phức (60 tuổi, ngụ ở thôn Xa Đưng) bị cuốn trôi hơn 200 con gà, heo. Đó là tài sản rất lớn đối với người dân xã nghèo như Hướng Việt. "Của mất đi sẽ làm lại được" - ông Phức khẳng định và cho hay gia đình đang thả nuôi hơn 200 con gà và gầy lại đàn heo; những con heo nái của gia đình còn sót lại sau trận lũ dữ đã đẻ rất nhiều con.
Màu xanh đã trở lại nhưng vẫn còn nhiều cái khó đang hiện diện ở thung lũng Tà Rùng. Trong đó, theo ông Hồ Văn Vọng, điều trăn trở nhất của chính quyền địa phương là làm sao để khôi phục lại hệ thống kênh mương, thủy lợi đang bị vùi lấp, giúp người dân ổn định sản xuất. Kế đến là ước mong có cây cầu vượt lũ bắc qua suối Tà Rùng và tìm kiếm, áp dụng những mô hình kinh tế hiệu quả để giúp người dân vươn lên.
"Trước sự khó khăn chung, xã đòi hỏi nhiều quá cũng không được, bà con cần phải tự lập tự cường. Tuy nhiên, nếu không được nhà nước hỗ trợ những hạng mục cơ bản, những mô hình kinh tế hiệu quả thì về lâu dài, chính quyền cũng sẽ "đau đầu" để lo sinh kế cho người dân" - ông Vọng thẳng thắn bày tỏ.
Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa, cho hay huyện vừa hỗ trợ trên 550 triệu đồng để khôi phục 30,5 ha đất trồng lúa nước, hoa màu bị vùi lấp sâu ở xã Hướng Việt. Nhận được tiền hỗ trợ, người dân sẽ có kinh phí để thuê máy móc, đầu tư phân bón, giống tốt để khôi phục, phát triển sản xuất.
Trong đợt thiên tai kinh hoàng vào cuối năm 2020, tại xã Hướng Việt có 4 người tử vong và nhiều người bị thương. Trong đó, ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt và Phó Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Dùy bị thương nặng trong lúc đi tìm kiếm, ứng cứu người dân gặp nạn. Vì địa bàn bị cô lập, đường sá sạt lở nên gần một tuần sau, 2 cán bộ này mới được trực thăng của Bộ Quốc phòng cứu được và đưa vào Huế chữa trị. Đến nay, sức khỏe của họ đã dần ổn định, bắt đầu trở lại với công việc chuyên môn nơi thung lũng Tà Rùng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-8
Kỳ tới: Điều diệu kỳ sau "đại hồng thủy"
Bình luận (0)