xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nín thở bên miệng hà bá

DUY NHÂN - SONG ANH

Những vụ lở ven sông cuốn theo tài sản bạc tỉ và cả tính mạng người dân luôn là những câu chuyện nóng hổi, ám ảnh khôn nguôi đối với người dân miền Tây Nam Bộ

Chúng tôi trở lại thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) - nơi có con sông cùng tên đổ ra biển Đông ngày một rộng dần ra, lấn sâu vào ngôi chợ sầm uất. Vào mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân ở đây mất ăn mất ngủ vì ám ảnh cảnh nhà trôi sông.

Thoát chết trong gang tấc

Người dân Gành Hào vẫn còn nhớ như in câu chuyện về một xóm gần chục căn nhà nằm ven sông (thuộc ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) nửa đêm bỗng dưng… biến mất. Đó là khởi đầu cho những cuộc "chạy sông" đầy bất trắc kéo dài hàng chục năm qua.

Ông Huỳnh Chí Công - ở khu vực 2, thị trấn Gành Hào - cho biết cách nay 20 năm, trước mặt nhà ông là con lộ 2 m, bên kia lộ là dãy nhà buôn bán sầm uất cặp mé sông. Năm 1991, dãy nhà ven sông lần lượt bị rút xuống lòng sông, con lộ cũng bị ngoạm dần. Ngôi nhà của ông Công nằm cách bờ sông 50 m, giờ đã không còn.

Nín thở bên miệng hà bá - Ảnh 1.

Ông Lê Phước Hòa vẫn chưa nguôi ám ảnh về vụ sạt lở ven sông Vàm Nao một năm trước. Ảnh: SONG ANH

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất chợ Vàm Đầm (xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi) cũng kinh hoàng không kém. Bắt đầu là 16 căn nhà bị nhấn chìm hoàn toàn xuống lòng sông hồi năm 2008. Ông Trương Hữu Việt, ở chợ Vàm Đầm, kể: "Chiều hôm đó, tôi cảm giác có nhiều vết nứt nên gửi mấy đứa con lên nhà trên với nội. Thật may mắn, 16 gia đình ở đây kịp thoát thân trong vòng 30 phút". Năm 2009, tại đây lại xảy ra sạt lở nhấn chìm 11 căn nhà và năm 2010 đã có 5 căn nhà và một cây xăng biến mất. Hiện nơi đây vẫn luôn đặt trong tình trạng báo động sạt lở.

Bà Lý Thị Nhanh, ở chợ Vàm Đầm, không bao giờ quên lần chết hụt vào một đêm cuối tháng 5-2009. Chiều hôm ấy, chồng bà cứ lưỡng lự không chịu đi mua cá giống như mọi khi, ông nói thấy không khỏe rồi ngủ quên đến 2 giờ sáng. Khi thức giấc, ông nghe có tiếng động lạ bên vách nhà. Ông tiến gần xem kỹ thì thấy căn nhà của ông Trần Văn Hiếu sát vách đang lùi ra sông. Bà Nhanh nghe tiếng kêu của chồng lập tức tốc mùng chạy. Theo kinh nghiệm nhiều lần chạy lở, bà quơ tay lấy gói đồ và chạy đến gần bờ đất thì cái gói bị kẹt lại, bà buông luôn để thoát thân nhưng không kịp, cái nhà đã lùi ra khỏi bờ đất hơn 2 m. Trong ánh sáng lờ mờ, nhờ ánh điện của nhà hàng xóm, bà phóng về hướng bờ. "Tôi nghe mình bị lăn tròn như rớt xuống vực, đất cát cuốn theo bao phủ. Nhờ có mấy cây cừ cản tôi lại, chứ nếu không thì bị đất cát vùi xuống sông luôn rồi. Lúc bị hàng cừ chặn lại, một mảng đất cát lớn trùm qua người tôi rồi tuột luôn xuống sông" - bà Nhanh kể.

Khi được mọi người kéo lên thì bà Nhanh gần như ngất xỉu với nhiều vết thương trên người. Trong trận này, bà Nhanh bị thiệt hại toàn bộ căn nhà hơn 30 triệu đồng nhưng bà vẫn cho đó là một sự may mắn: "Đêm đó, nếu chồng tôi đi mua cá thì ba mẹ con tôi khó thoát chết. Bởi thường lệ, khi chồng tôi đi vắng thì 2 đứa con nhỏ xuống ngủ với tôi chứ không ngủ với bà ngoại ở nhà trên".

Ám ảnh Vàm Nao

Những ngày này một năm trước, 40 hộ với khoảng 200 nhân khẩu xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang phải vội vã bỏ chạy, thậm chí bỏ cả tài sản vì sạt lở sông Vàm Nao.

Trở lại nơi đây, không ít người ngậm ngùi trước cảnh đìu hiu, hoang tàn sau trận sạt lở kinh hoàng sáng 22-4-2017. Vẫn còn đó nhiều căn nhà trơ khung, nhiều căn nhà kiên cố có thể mang giá trị tiền tỉ nhưng vắng bóng người, cửa khóa trái. Ngay đầu đường, tấm biển báo "khu vực sạt lở nguy hiểm" còn treo.

Hơn một năm đã qua nhưng với người dân nơi đây, vụ sạt lở kéo dài khoảng 160 m, ăn sâu vào đất liền hơn 30 m, tổng thiệt hại ước tính khoảng 90 tỉ đồng như mới vừa xảy ra hôm qua. "Lúc đó, đất bắt đầu sụp từ từ, kéo theo hàng chục căn nhà nhào xuống sông. Người dân tán loạn chạy thoát thân, cột điện ngã la liệt. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, mọi việc mới dần ổn định" - ông Lê Phước Hòa (52 tuổi) nhớ lại.

Còn theo ông Trần Văn Bi (55 tuổi), lúc lở xảy ra, gia đình ông chỉ kịp chạy để bảo toàn mạng sống, tổng giá trị tài sản khoảng trên dưới 5 tỉ đồng trôi sông. "Vợ chồng tôi gầy dựng trên 30 năm mới có được căn nhà. Vậy mà mới ăn được 4 cái Tết thì bỗng chốc trắng tay. Tới giờ, tôi vẫn ám ảnh vụ sạt lở chưa từng có đó" - ông Bi buồn bã nói.

Vụ sạt lở đã khiến 106 hộ phải di dời khẩn cấp. Đến nay, chỉ mới 15 hộ dân bị ảnh hưởng được ưu tiên cấp nền và hỗ trợ kinh phí xây nhà trong khu dân cư tại trung tâm xã. Theo ông Phạm Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông, hơn 90 hộ còn lại hiện vẫn còn ở tạm nhà người thân, trường học. "Khu dân cư mới cách hiện trường sạt lở khoảng 2 km và đang xây dựng hạ tầng, sắp tới sẽ bố trí nền cho các hộ này vào cất nhà ở. Địa phương cũng sẽ đề nghị cấp trên có chính sách cho vay vốn hỗ trợ người dân cất nhà và đào tạo nghề khi về nơi ở mới" - ông Phúc thông tin. 

Hàng chục km tử thần

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau thống kê mỗi năm tỉnh này xảy ra trên 20 vụ sạt lở ven sông, ven biển. Điểm nóng sạt lở tập trung ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi có chiều dài trên 50 km. Bạc Liêu cũng có dải đất dài khoảng 15 km nằm ven các cửa sông, cửa biển luôn đặt trong tình trạng báo động về sạt lở thuộc các huyện Đông Hải, Phước Long, thị xã Giá Rai và TP Bạc Liêu. Khu vực này có trên 800 hộ cần được di dời khẩn cấp vì nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão.

Kỳ tới: Điểm mặt những vụ sạt lở mới

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo