Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4216/QĐ-UBND về kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Một góc TP Thanh Hóa hôm nay
Tiết kiệm hàng chục tỉ đồng mỗi năm
Với mục tiêu, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; quy trình, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số. Ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền số; hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao là nền tảng cho phát triển kinh tế số; xã hội số văn minh, hiện đại, an toàn.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã trở thành một trong những tỉnh nằm trong top đầu của cả nước triển khai hiệu quả xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số, mỗi năm tiết kiệm hơn 60 tỉ đồng chi phí hành chính của các cơ quan Nhà nước (tính đến ngày 31-8-2021).
Ngoài ra, Thanh Hóa cũng là tỉnh triển khai rất hiệu quả hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc tại 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; là tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất trong cả nước với 458 điểm cầu tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã của tỉnh, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thành quả mà Thanh Hóa đạt được từ chuyển đổi số
Để có được kết quả này, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã hết sức quan tâm. Hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu; hạ tầng CNTT được đầu tư đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; trục tích hợp nội tỉnh Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, cấp tỉnh (LGSP) kết nối, liên thông với hệ thống của quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã; công tác chỉ đạo, điều hành được nâng cao, hiệu quả; quản lý, sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, nhanh chóng, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được quan tâm.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai các bước theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra, quyết tâm thực hiện hiệu quả cả 3 trụ cột của chuyển đổi số đó là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số… tạo đà để đưa Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
"Chuyển đổi số phải được triển khai toàn diện, đồng bộ trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ"- ông Quyết khẳng định.
Để làm được điều này, theo ông Đỗ Hữu Quyết, việc đầu tiên là tập trung xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng. Thứ hai, cần tập trung chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế như y tế, giáo dục, du lịch, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng…
Thứ ba, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số quy mô lớn vào đầu tư tại Thanh Hóa làm động lực dẫn dắt chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có cơ chế, chính sách để hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Thu hút, kêu gọi, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai thí điểm, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trên địa bàn tỉnh.
Cuối cùng, để chuyển đổi số thành công cần tiếp tục đầu tư hạ tầng số, các nền tảng số, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, số hóa dữ liệu, tích hợp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu… để phục vụ chính quyền, doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi số.
Những nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình trong đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030 của tỉnh Thanh Hóa
Được biết trong đề án chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, địa phương này phấn đấu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các doanh nghiệp; người dân được hưởng thụ các dịch vụ, tiện ích từ công cuộc chuyển đổi số; kinh tế số chiếm 20% GRDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7,5%.
Phấn đấu đến năm 2025, đạt 50% doanh nghiệp chuyển đổi số trong tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế; phổ cập dịch vụ mạng thông tin di động công nghệ 4G phủ đến 100% số thôn, bản, cụm dân cư; công nghệ 5G phủ đến 100% các xã, phường, thị trấn các huyện đồng bằng, 100% thị trấn các huyện miền núi; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 100% số thôn, bản, cụm dân cư và trên 80% hộ gia đình; tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên đạt 50%.
Việc chuyển đổi số hướng tới xây dựng nền hành chính công hiệu quả, minh bạch là bước đột phá mới, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hướng tới xây dựng chính quyền số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững.
Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa Đỗ Hữu Quyết được vinh danh là 1 trong 8 cá nhân chuyển đổi số tiêu biểu năm 2021
Một trong 8 cá nhân chuyển đổi số tiêu biểu
Tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến vào tháng 9-2021, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa, đã vinh dự được bình chọn là cá nhân chuyển đổi số tiêu biểu năm 2021. Chương trình do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Câu lạc bộ CEO&CIO tổ chức.
Chương trình nhằm tìm kiếm, bình chọn và tôn vinh các lãnh đạo chuyển đổi số (Chief Digital Officer - CDO) khối Chính phủ tại Việt Nam - những người có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, chỉ đạo triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, an ninh thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, góp phần quan trọng trong việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các bộ ngành, địa phương.
Được triển khai từ tháng 6-2021, với sự tham gia của 94 ứng viên được đề cử và ứng cử từ các cơ quan Trung ương và 44 tỉnh, TP. Sau các vòng sơ tuyển, bỏ phiếu bình chọn, Ban tổ chức đã lựa chọn vinh danh 18 cá nhân tiêu biểu, gồm 10 cá nhân thuộc khối các cơ quan Trung ương và 8 cá nhân thuộc Sở TT-TT của 8 tỉnh, TP.
Bình luận (0)