Đến TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, đi sâu vào các phường nằm sát bên sông Sài Gòn như Hưng Định, An Thạnh, An Sơn hay Bình Nhâm, nhiều người đã vô cùng ngỡ ngàng với những vườn cây ăn trái trù phú nằm lọt thỏm giữa đô thị năng động. Nhắc đến vườn cây ăn trái Lái Thiêu, không thể quên trái măng cụt gắn liền với người dân nơi đây qua bao thế hệ và đã trở thành thương hiệu măng cụt số 1 cả nước bởi hương vị đậm đà, ngọt mát mà không thể lẫn ở đâu được.
Thổ nhưỡng phù hợp
Anh Tôn Thất Tùng, chủ vườn măng cụt ở phường An Thạnh, kể gia đình anh sống ở đây đã qua 4 thế hệ, có những cây măng cụt trong vườn hơn 100 năm, do người Pháp trồng, hiện vẫn cho ra trái hằng năm, tuy trái nhỏ nhưng vỏ rất mỏng và vị ngọt thơm, đậm hơn những cây trồng sau này. Theo anh Tùng, thổ nhưỡng của vùng Lái Thiêu rất tốt, từ bề mặt xuống sâu khoảng 50 cm là có tầng đất sét dẻo nên giữ được nước; do đó, không chỉ trồng được cây măng cụt mà hầu hết những loại trái cây của vùng Mê Kông đều phát triển nhanh: dâu, sầu riêng, chôm chôm, mãng cầu…
Anh Tùng cho biết cây măng cụt cực kỳ dễ trồng, chỉ cần rụng hột xuống đất là nó cũng tự mọc và phát triển tốt; nhưng phải có đủ nước vì loại cây này rất "khát nước", "vào mùa mưa thì không phải lo tưới tiêu nhiều, nhưng mùa nắng thì phải làm các rãnh cho nước từ ngoài sông Sài Gòn vào; nhưng, nếu để cây măng cụt ngập nước khoảng vài ngày nó sẽ chết" - anh Tùng đúc kết, đồng thời vui mừng cho biết hiện nay TP Thuận An đã đầu tư bờ kè, ống cống nên mỗi khi triều dâng cao chỉ cần đóng nắp cống lại là nước không tràn vào được.
Mỗi năm, vườn cây ăn trái hơn 1 ha của anh Tùng đã giúp gia đình thu về khoảng 500 triệu đồng, trong khi chi phí chăm sóc không đáng kể, chủ yếu là bỏ phân, nhổ cỏ là chính. Từ thành công của vườn cây ở An Thạnh, gia đình anh đã mạnh dạn lên Bình Phước trồng cây măng cụt, sau hơn 20 năm chăm sóc, giờ vườn cây ở Bù Đốp của gia đình anh đã cho thu hoạch được hai vụ. Theo anh Tùng, trái măng cụt ở Bình Phước không thể ngon bằng vùng Lái Thiêu được.
Đưa chúng tôi đi một vòng, anh Tùng chỉ vào những ngôi nhà khang trang và nói trước đó khu đất này là những vườn măng cụt sum suê nhưng thời gian qua, nhiều gia đình đã phân lô, tách thửa bán hết, anh Tùng lo ngại rằng nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì "lá phổi xanh" của thành phố này cũng dần mất hết.
Theo kinh nghiệm của các nhà vườn, khí hậu - thổ nhưỡng của vùng Lái Thiêu rất phù hợp để trồng cây ăn trái, đặc biệt là cây măng cụt
Anh Tôn Thất Tùng bên cây măng cụt trên 100 năm tuổi của gia đình
Hỗ trợ nông dân lưu giữ vườn cây ăn trái
Lo ngại của anh Tùng đã được chính quyền địa phương tính toán và có phương án để giữ những vườn cây truyền thống. Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, cho biết địa phương đang hạn chế tối đa việc phân lô tách thửa và đã có chính sách cụ thể; trong đó, hạn mức diện tích xây dựng trong vườn cây, quy hoạch khu vực này là khu vực du lịch sinh thái vườn nên chỉ được sử dụng tối đa 25% diện tích. Đồng thời, địa phương sẽ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng để cùng người dân lưu giữ những vườn cây ăn trái nổi tiếng, lâu đời này.
Để hỗ trợ các nhà vườn, địa phương còn chi hơn 21 tỉ đồng phân bón, ngày công chăm sóc; đồng thời thường xuyên cải tạo môi trường, bảo đảm nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp thông qua việc đầu tư, nâng cấp, nạo vét kênh rạch, các hệ thống thoát nước để chủ động việc tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn, giữ ngọt, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vườn trên địa bàn. Đến nay, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu tập thể "măng cụt Lái Thiêu" cho nông dân, sắp tới, nhiều chủng loại trái cây đặc sản khác sẽ tiếp tục được đăng ký. Việc này vừa gắn kết trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp để cùng bảo tồn chất lượng trái cây đặc sản của địa phương vừa góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, làm tăng thêm giá trị vườn cây.
Vùng cây ăn trái Lái Thiêu đã phát triển lên 1.238 ha, gồm: sầu riêng, mít, măng cụt… Trong đó, diện tích cây măng cụt là nhiều nhất, với 661 ha. Cùng việc phát triển diện tích, hỗ trợ người trồng cây ăn trái đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, Bình Dương cũng quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho trái cây Lái Thiêu.
Cách TP HCM khoảng 25 km, vùng cây Lái Thiêu là khu vực đặc biệt có không khí trong lành, điều kiện khí hậu rất tốt, được xem như "lá phổi xanh" quý hiếm giúp cân bằng sinh thái giữa vùng đông đúc các khu công nghiệp, khu đô thị của Bình Dương và cả khu vực lân cận. Vì vậy, việc nỗ lực khôi phục "lá phổi xanh" vùng cây ăn trái Lái Thiêu là việc làm đúng hướng. Điều này vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất trù phú ven sông Sài Gòn vừa phục hồi bản sắc du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái đã từng vang bóng một thời.
Quảng bá du lịch sinh thái miệt vườn
Thương hiệu "vườn cây ăn trái Lái Thiêu", với bề dày truyền thống qua bao đời, đang được tỉnh Bình Dương khôi phục, qua đó tạo điều kiện cho các loại hình du lịch sinh thái phát triển thuận lợi. Thấy được thế mạnh này, gần đây Bình Dương đã chú trọng công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm trái cây gắn với du lịch. Trong đó, nổi bật là "Lễ hội mùa trái chín" với tâm điểm là đặc sản trái cây Lái Thiêu và gỏi gà măng cụt Lái Thiêu được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn vào tốp các món ăn đặc sản Việt Nam.
Bình luận (0)