Sáng 20-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, QH đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV. Đây là lần đầu tiên QH họp bằng hình thức trực tuyến, thể hiện sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và nhân dân ta vượt qua khó khăn để tiếp tục tiến bước.
Cơ bản kiểm soát được dịch bệnh
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH cho biết việc đổi mới cách thức kỳ họp thể hiện QH luôn thay đổi, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để theo kịp tình hình kinh tế - xã hội, vì lợi ích nhân dân.
Trình bày báo cáo trước QH về việc phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế và trong nước có những biến động lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ.
"Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc" vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân" - Thủ tướng nói.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ, Thủ tướng đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt để ứng phó kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngay những ngày trước, trong Tết nguyên đán và trong những tháng qua, Thường trực Chính phủ họp mỗi tuần 2-3 lần để chỉ đạo công tác phòng chống dịch.
Theo Thủ tướng, các quan điểm xuyên suốt là: "Chống dịch như chống giặc"; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; "lấy phòng dịch làm ưu tiên", "khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, kiên quyết cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả", "chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân".
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bằng hình thức họp trực tuyến.Ảnh: TTXVN
Báo cáo trước QH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những tấm gương, từ những cháu bé đến cụ già trên 100 tuổi, đã mang những đồng tiền dành dụm được để ủng hộ chống dịch. Nhiều chiến sĩ quân đội, cán bộ y tế gác lại việc riêng, "ăn lán, ngủ rừng", bám địa bàn, tiếp tục làm nhiệm vụ; nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp của thương binh, người khuyết tật đã quan tâm chăm lo cho người lao động. Những mô hình "ATM gạo", "siêu thị 0 đồng"... đã giúp đỡ thiết thực nhiều người nghèo trong giai đoạn khó khăn.
Với tinh thần chia sẻ, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang, vật tư, thiết bị y tế sản xuất tại Việt Nam cho 19 nước với tấm lòng chân thành, nhân ái, được bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao.
Thủ tướng cho biết với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước, đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tổng số trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận là 324 ca, trong đó 263 ca đã được chữa khỏi và chưa có trường hợp tử vong. Liên tục trong hơn một tháng qua, chưa có trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng (các ca nhiễm gần đây đều là người Việt Nam nhập cảnh).
"Trên thế giới, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, tiếp tục lây lan với tốc độ cao. Dù đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là, phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại" - Thủ tướng lưu ý.
Có sự thay đổi rất lớn
Qua đánh giá thực hiện cả năm 2019, Thủ tướng khẳng định chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt; nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo QH. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02% (đã báo cáo trên 6,8%), thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết so với cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Tác động của đại dịch Covid-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế. Mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. Vì vậy, Chính phủ đề nghị QH xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thu - chi ngân sách, bội chi, nợ công... Các chỉ tiêu cụ thể sẽ được cơ quan này báo cáo QH sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Cùng với việc thực hiện nhanh, hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách đã được ban hành, Chính phủ cũng đề nghị QH xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới. Theo đó, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.
Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án rất khó khăn. Đề nghị QH miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Chính phủ cũng đề nghị QH xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; cắt giảm chi hành chính, hội họp, đi công tác.
Hôm nay, 21-5, QH thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Gỡ khó cho doanh nghiệp và tạo việc làm
Báo cáo với QH tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết cử tri và nhân dân lo lắng trước những khó khăn, thách thức của đất nước chưa từng có trong nhiều năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc làm của người lao động, tình trạng mất việc làm, thiếu việc làm tăng. Nhiều DN giải thể, tạm ngưng hoạt động.
Cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì và mở rộng thị trường việc làm...
Xử lý các "điểm nghẽn", nút thắt về đất đai
Trình bày báo cáo thẩm tra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn, trong đó có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh trong năm 2020; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.
Kiểm soát có hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết, thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính; tập trung xử lý các "điểm nghẽn", nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
Cùng ngày, QH cũng đã thảo luận về việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức; nghe tờ trình, báo cáo thuyết minh và báo cáo thẩm tra về việc đề nghị QH phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); nghe tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị QH phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EVFTA và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). QH đã thảo luận 2 nội dung trên. Cả 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA đều được đề nghị phê chuẩn tại kỳ họp này.
Bình luận (0)