Tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Tiền Giang mới đây, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh, cho biết trong mùa hạn, mặn vừa qua, địa phương này có tới 3.500 ha sầu riêng chết, năng suất giảm 70%.
Sầu riêng thành... sầu chung!
Trước thực trạng này, tỉnh Tiền Giang đã chi hàng chục tỉ đồng để thuê sà lan vận chuyển nước ngọt về cứu cây trồng. Song, do giá vận chuyển cao hơn giá nước nên người dân không nhận và hậu quả là mùa màng thất bát.
Xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là một trong 2 xã có diện tích sầu riêng lớn nhất huyện, với gần 1.600 ha. Nơi đây có khoảng 40 hộ trồng sầu riêng, bình thường thu lợi mỗi năm cả tỉ đồng. Nhưng năm nay, sau gần 4 tháng cầm cự, khoảng 70% diện tích sầu riêng bị thiếu nước tưới và hiện nhiều vườn có thể chết khô. Mùa sầu riêng năm nay xem như họ trắng tay. Một cán bộ xã Tam Bình cho biết nhà ông có 8 công vườn, mỗi mùa sầu riêng kiếm được chừng 400-500 triệu đồng nhưng năm nay hạn, mặn tàn phá nên thu hoạch chẳng bao nhiêu.
Sầu riêng mỗi năm chỉ cho trái một lần. Muốn bán được giá cao thì phải xử lý ra hoa nghịch vụ và ngay từ bây giờ phải làm gốc, che ni-lông… để sầu riêng trổ bông. Nước mặn lấn về, người dân đành bỏ mặc. Bà Lê Thị Trúc ở ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình, cho biết vườn sầu riêng nhà bà có khoảng 110 gốc. Để giữ cho cây không bị cháy lá, từ đầu mùa hạn tới giờ, bà phải mua mười mấy sà lan nước ngọt tưới, tốn gần 60 triệu đồng nhưng cây vẫn đang trong giai đoạn chết khô.
"Ở đây ai cũng trông cậy vào mùa sầu riêng. Năm rồi nhà tôi xử lý ra hoa mùa thuận, thu hoạch được hơn 8 tấn, gặp lúc sầu riêng được giá, bán được gần 500 triệu đồng. Còn năm nay thì chẳng thu được gì" - bà Trúc than thở.
Tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, nhà vườn trồng sầu riêng bị giảm thu nhập hơn 40% do ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn. Nhiều nhà vườn dù đã sử dụng hệ thống phun tưới tự động nhưng do nước mặn bất ngờ tràn vào các ao trữ nên cây bị ảnh hưởng nặng, có vườn rụng lá, chết sạch.
Nhiều vườn sầu riêng ở Tiền Giang bị thiệt hại khoảng 70% diện tích do hạn, mặn. Ảnh: MINH SƠN
Tuân thủ các giải pháp ứng phó
Tại Vĩnh Long, theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, toàn tỉnh có khoảng 17.600 ha lúa và vườn cây ăn trái bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Trong đó, hơn 1.000 ha vườn cây ăn trái tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ và Trà Ôn.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ, nhận định: "Hạn, mặn năm 2020 tuy đến sớm và sâu hơn năm 2016 nhưng một số đánh giá cho thấy thiệt hại về nông nghiệp ít hơn năm 2016. Lý do chính là nông dân đã rút được những bài học đối phó với khô hạn từ năm 2016, nghe theo những khuyến cáo kịp thời của các nhà khoa học và ngành nông nghiệp. Họ xuống giống sớm hơn, biết trữ nước cuối mùa lũ trước nên đa số kịp thu hoạch; chỉ một số nhà vườn xuống giống trễ nên gặp thiệt hại".
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết vào mùa khô 2019-2020, toàn tỉnh có gần 28.000 ha cây ăn trái, 1,2 triệu hoa kiểng các loại, 600 ha cây giống, 168 ha hoa màu và trên 3.000 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại, với tổng giá trị khoảng 1.660 tỉ đồng. Để chủ động nguồn nước ngọt bảo đảm phục vụ trong thời gian tới, Bến Tre sẽ thực hiện một số giải pháp như: quản lý tốt nguồn nước ngầm, vận động người dân trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt; sớm hoàn thành kế hoạch phòng chống, ứng phó hạn, mặn để đến năm 2023 không còn bị ảnh hưởng, nhất là tình trạng thiếu nước ngọt; phối hợp với Tiền Giang, Long An nghiên cứu thực hiện dự án dẫn nước thô liên tỉnh.
Trong khi đó, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, sầu riêng là một trong các loại cây ăn trái mẫn cảm với mặn. Do đó, để chuẩn bị tốt việc phòng chống hạn, mặn, nhà vườn cần phải thực hiện các giải pháp: kiểm soát kỹ nguồn nước tưới; gia cố hệ thống kênh mương, không để nguồn nước mặn ngoài sông xâm nhập; cần cắt tỉa, tránh ra hoa, trái trong thời điểm không thích hợp; tăng cường bón phân hữu cơ, phân bón lá để tăng khả năng chịu hạn, mặn cho cây ăn trái...
160.000 ha đất bị bỏ hoang
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, hạn, mặn các tháng đầu năm 2020 đã làm thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, gây khó khăn về sản xuất và sinh hoạt của người dân ĐBSCL. Theo thống kê ban đầu, đã có hơn 80.000 ha cây ăn trái bị thiệt hại, gần 100.000 hộ thiếu nước sạch, hơn 160.000 ha đất bỏ hoang, trên 1.100 điểm công trình sạt lở.
Bình luận (0)