Ngày 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với doanh nghiệp (DN), bàn về các giải pháp cùng nỗ lực vượt thách thức và đón thời cơ phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để lắng nghe kiến nghị, giải pháp của các hiệp hội ngành hàng, DN, các địa phương.
Doanh nghiệp muốn thủ tục bớt rườm rà
Các DN đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 cũng như các các giải pháp, gói hỗ trợ người dân, DN.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, điều mà DN cần hiện nay là cơ chế. Cần có một cơ chế thông thoáng, môi trường kinh doanh thuận lợi, các vướng mắc được giải quyết ngay để DN tận dụng tốt cơ hội trong thời điểm khó khăn này.
Đi sâu vào vấn đề, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết những kiến nghị không tập trung vào các gói hỗ trợ tài chính. Thay vào đó, các DN muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch trong chính sách, công minh và thái độ của cán bộ thực thi.
"Đây là điều các DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền, còn hơn là các hỗ trợ bằng tiền" - Bộ trưởng nói và cho biết nhiều DN đã kiến nghị Chính phủ thực hiện triệt để việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính; không gây khó khăn, sách nhiễu cho DN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy mới có 2,9% DN chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách; 64,6% DN biết có các chính sách hỗ trợ nhưng chưa thể tiếp cận. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ DN còn rất hạn chế do thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, thái độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi chưa mang tính hỗ trợ, đồng hành cùng DN.
Bày tỏ sự đồng tình, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết VCCI đã khảo sát và cũng cho kết quả tương tự.
"Khi tôi hỏi lãnh đạo DN lớn là họ cần gì, họ trả lời biết nhà nước đang khó khăn nên DN không xin tiền mà chỉ xin cơ chế" - ông Lộc nói và cho biết cơ chế được nhắc ở đây là các giải pháp gỡ nút thắt phiền hà về thủ tục hành chính, thúc đẩy đầu tư công và những biện pháp để mở cửa thị trường. Theo ông Lộc, khảo sát cũng chỉ ra một vấn đề là các DN rất chủ động "tự cứu mình".
Dưới góc độ DN, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng nguồn lực của mọi Chính phủ đều hữu hạn, không thể thỏa mãn mọi kiến nghị đề xuất của cộng đồng DN và xã hội. Do đó, mỗi DN cần xác định đúng mục tiêu ưu tiên, các tài sản cần bảo vệ. DN phải chủ động, sáng tạo, có liên kết hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua với tổn thương ít nhất.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải - ông Trần Bá Dương - cũng bày tỏ các biện pháp cần có sự cân nhắc hài hòa giữa việc giúp DN vượt qua khủng hoảng trước mắt và khuyến khích họ đổi mới, trên quan điểm tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện cho DN phát triển. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương, cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN.
"Quan tâm xử lý kiến nghị của DN nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của DN" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Ba thứ cần phải giữ
Đối với cộng đồng DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện nay, cần phải giữ 3 thứ: lao động; thị trường và phát triển thị trường; danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu DN phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Giữ lao động trong bối cảnh hiện tại là vấn đề được DN đặc biệt quan tâm. Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường khẳng định ngành dệt may xác định 2 tài sản lớn nhất cần bảo vệ bằng mọi biện pháp, đó là lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu (khách hàng). Vinatex dự báo nếu cho ngừng việc, nghỉ việc thì khả năng mất trên 50% lao động là rất thực tế. Khi đó, dù thị trường có sớm quay lại thì DN cũng không còn cơ hội sản xuất - kinh doanh để bù các tổn thất từ dịch bệnh Covid-19. Do vậy, DN dệt may không chọn giải pháp ngừng việc hưởng hỗ trợ, mà linh hoạt trong kế hoạch sản xuất, chia ca làm việc, duy trì trả lương cho người lao động, vận động chia sẻ khó khăn cùng DN.
Địa phương cam kết hỗ trợ
Phát biểu tại hội nghị ở đầu cầu TP HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, như lập tổ công tác hỗ trợ DN từ tháng 3 để hướng dẫn, hỗ trợ các DN tiếp cận nhanh các gói hỗ trợ của Chính phủ; các chính sách về tín dụng, thuế...
Trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Thành Phong, tổ công tác của TP sẽ triển khai tính điểm, xếp hạng ưu tiên hỗ trợ DN trên địa bàn, triển khai kế hoạch hỗ trợ DN đến hết năm 2020 với các giải pháp: Hỗ trợ duy trì sản xuất - kinh doanh, ngăn chặn phá sản; hỗ trợ bảo đảm tính thanh khoản của DN; hỗ trợ phục hồi sản xuất dịch vụ nhằm vào nhu cầu nội địa; hỗ trợ khuyến khích thay thế hàng nhập khẩu; tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ, đẩy mạnh số hóa; tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo; kịp thời dự báo với các quốc gia, đối tác để mở cửa kinh tế, thương mại với từng nước.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng chia sẻ rằng địa phương này xây dựng kịch bản khắc phục kinh tế hậu Covid-19 theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Áp dụng các biện pháp mang tính chất tình thế để giúp DN tồn tại, bám trụ thị trường, không bị đổ vỡ. Giai đoạn 2: Gắn việc phục hồi tăng trưởng với tái cơ cấu theo chiều rộng và chiều sâu.
Về phía TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cam kết tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó trọng tâm là hỗ trợ khuyến khích DN đổi mới công nghệ, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu và thị trường xuất khẩu. TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục không cần thiết.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2020, TP Hà Nội sẽ phối hợp với cộng đồng DN và các tỉnh, TP kết nối cung cầu; tổ chức tháng khuyến mãi nhằm kích thích tiêu dùng nội địa, đồng thời kích cầu du lịch nội địa.
"Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo TP tích cực chuẩn bị, phấn đấu đến tuần cuối cùng của tháng 6 sẽ mở hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển" - ông Nguyễn Đức Chung thông tin.
Kiến nghị nghỉ hè 1 tháng để kích cầu du lịch
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, tính toán phương án cho học sinh nghỉ hè 1 tháng, từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9, để kích cầu du lịch trong nước.
Ông Kỳ cho rằng việc có 1 tháng nghỉ hè sẽ là thời điểm quan trọng để phát triển du lịch, giúp ngành vượt qua được giai đoạn khó khăn trong quý III/2020. Đại diện Vietravel cũng kiến nghị các địa phương xem xét giảm 50% phí tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh để thu hút khách du lịch.
Dự kiến có khoảng 1 triệu lao động sẽ được đào tạo lại
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, DN và người lao động đã có sự chia sẻ, chung tay hỗ trợ cùng vượt qua khó khăn; DN trả lương cơ bản, nhiều nơi người lao động tự nguyện giảm một phần thu nhập để chia sẻ với DN. Bộ trưởng dẫn khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế cho biết để khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá hệ lụy rất lớn sau đại dịch Covid-19 là nếu cắt giảm nhân sự hàng loạt thì chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn hoặc DN sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất trở lại.
"Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về vấn đề này, đồng thời đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành khoảng 3.000 - 5.000 tỉ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bình luận (0)