Dự án cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu) là một trong các công trình giao thông khác mức vừa được đưa vào sử dụng, góp phần tích cực trong việc xóa ùn tắc khu vực nội thành Đà Nẵng.
Các nút giao thông khác mức với hầm chui, cầu vượt là nỗ lực của TP Đà Nẵng trong việc xóa ùn tắc giao thông nội thành
Tạo thế giao thông liên hoàn
Công trình cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý được xây dựng 3 tầng gồm: cầu vượt trên đường 2 Tháng 9; hầm chui trên đường Duy Tân và các đường gom 2 bên hầm cho phép phương tiện rẽ qua các tuyến đường giao cắt với đường Duy Tân; tầng mặt đất bố trí đảo xuyến tự điều chỉnh. Các nút giao như Duy Tân - Núi Thành bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông để phân luồng các dòng phương tiện.
Đặc biệt, đường Duy Tân là tuyến đường nối thẳng đến sân bay Đà Nẵng, tạo nên trục giao thông liên hoàn kết nối sân bay Đà Nẵng và khu vực ven biển, giảm tải cho các tuyến trục chính qua phía Đông thành phố như: Nguyễn Văn Linh, Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cụm nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý ưu tiên các hướng chính đi thẳng trên đường 2 Tháng 9; hướng từ sân bay đi quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và ngược lại; kết hợp với tuyến đường phía sau Trung tâm Hội nghị tiệc cưới, từ đó xử lý triệt để việc ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và các khung giờ diễn ra lễ, tiệc tại khu vực này.
Cũng là công trình giao thông khác mức, hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê) đã giải quyết bài toán giao thông từng khiến Đà Nẵng "đau đầu". Ghi nhận của phóng viên, vào giờ cao điểm, nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương có hàng ngàn lượt phương tiện lưu thông nhưng việc phân luồng, phân tuyến hợp lý đã hạn chế sự xung đột giữa các luồng, xóa điểm đen tai nạn tại đây.
Từ năm 2013 đến nay, TP Đà Nẵng chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư các nút giao trọng điểm, thường xuyên ùn tắc và nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT). Người dân thành phố nhìn nhận các dự án nút giao thông khác mức đã giải quyết cơ bản bài toán ùn tắc và TNGT. Đồng thời, cũng là điểm nhấn cảnh quan, kiến trúc, góp phần từng bước hiện đại hóa hạ tầng giao thông của thành phố.
Cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý vừa đưa vào sử dụng ngày 28-3, góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông nội thành Đà Nẵng
Đâu là giải pháp dài hơi?
Sau 2 năm yên ắng vì dịch Covid-19, đường phố Đà Nẵng bắt đầu nhộn nhịp phương tiện trở lại. Một số nút giao thông trọng điểm tại nội thành lại bộc lộ nguy cơ quá tải, tiềm ẩn TNGT. Đơn cử, trong giờ cao điểm, nút giao phía Tây cầu Rồng đón lượng lớn xe khách phục vụ du lịch. Phương tiện lưu thông qua đây mất gần 4 phút, tính cả thời gian chờ đèn đỏ. Còn tại nút giao phía Bắc cầu Hòa Xuân, xe máy, xe tải, xe container chen chúc nhau trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Đáng nói, đây là trục đường chính kết nối Đà Nẵng với Quốc lộ 14B đi các tỉnh phía Nam, lưu lượng xe cộ rất lớn.
Trước tình hình trên, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố chỉ đạo đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu kỹ phương án tổ chức giao thông cụm nút giao phía Bắc cầu Hòa Xuân (quận Hải Châu). Cụ thể, ngoài việc mở rộng thêm một đơn nguyên của cầu Hòa Xuân, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu xây hầm chui trên đường Thăng Long, cầu vượt thép trên đường Cách Mạng Tháng Tám.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho hay hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang phối hợp với tư vấn thiết kế để khảo sát hiện trạng tại nút giao, đề xuất phương án tối ưu, thời gian dự kiến báo cáo Sở GTVT xem xét trong quý III/2022.
Với nút giao phía Tây cầu Rồng, Sở GTVT đã tổ chức điều chỉnh phương án tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu, bảo đảm hạn chế ùn tắc trong giai đoạn trước mắt. "Qua theo dõi, phương án này cơ bản đáp ứng yêu cầu khai thác. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, xem xét đề xuất phương án cải tạo phù hợp" - ông Trung cho hay.
Bên cạnh việc cải tạo các nút giao thông nội đô, lãnh đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết sẽ đầu tư phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác để bảo đảm tỉ lệ đất giao thông khu vực đô thị đạt 20%-26% đất xây dựng đô thị; diện tích đất giao thông tĩnh đạt 3%-4% diện tích đất xây dựng đô thị. Tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đến năm 2030, đáp ứng được 10%-20%, năm 2050 đáp ứng 25%-40% nhu cầu đi lại. Từng bước hình thành các tuyến vận tải công cộng MRT (Mass Rapid Transit), LRT (Light Rail Transit) trên các trục chính và vành đai thành phố.
"Mục tiêu là tăng cường khả năng kết nối và liên kết vùng, từng bước xây dựng thành phố thực sự trở thành đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị giàu đẹp, văn minh, hướng đến đô thị sinh thái, thông minh và đáng sống" - ông Trung thông tin.
Từng có đề xuất làm hầm chui qua sân bay Đà Nẵng
Tại hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kiến trúc sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường TP Đà Nẵng, kiến nghị Đà Nẵng tập trung phối hợp các cơ quan trung ương triển khai hầm xuyên dưới sân bay Đà Nẵng để chống ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí giải tỏa đền bù. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất thành phố sớm làm cầu qua sông tại đường Bùi Tá Hán, làm thêm một cầu qua sông Hàn tại nút Đống Đa qua quận Sơn Trà.
Bình luận (0)