Như chưa bày tỏ hết sự kém cỏi và chây ì của mình, mới đây Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 (Trung Quốc) - Tổng thầu EPC của dự án Cát Linh - Hà Đông lại yêu cầu trả 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao. Tiền thì nhà thầu đòi rất cụ thể nhưng thời gian cho tàu lăn bánh và bảo đảm an toàn cho toàn tuyến thì bỏ ngỏ.
Từ một dự án mang bao hy vọng về tuyến đường sắt đô thị hiện đại đầu tiên của quốc gia, chẳng mấy chốc khiến người dân hoài nghi vì tăng vốn đột ngột từ gần 9.000 tỉ đồng lên đến hơn 18.000 tỉ đồng mà trong đó, vay của Trung Quốc đến gần 14.000 tỉ đồng. Bốn năm qua, kể từ khi ấn định ngày vận hành, đoàn tàu này vẫn nằm ì như một của nợ. Và đúng là nợ thật. Đối với người dân, dự án này đang là nỗi ám ảnh với khoản nợ khổng lồ mà tương lai tiếp tục phải trả. Lợi ích kinh tế mà dự án này mang lại đến hiện giờ là bằng 0. Còn nói chi tiết hơn thì lợi ích dưới 0, bởi phải tốn mặt bằng, nhân lực bảo trì, giá trị công trình xuống cấp theo thời gian... Khi đoàn tàu chưa được đưa vào phục vụ thì hậu quả của dự án càng lớn, tiền phải trả càng nhiều, thậm chí phát sinh bao chi phí, tác động đến các dự án liên quan trong khi lãi của vốn vay cứ tăng từng ngày. Lợi thế và cách chơi "kèo trên" của nhà thầu làm người dân khó hiểu về những giao kết của Bộ Giao thông Vận tải đối với dự án này. Khá lạ lẫm so với những dự án kinh tế khác trong hợp đồng cụ thể thời gian thi công, thời điểm vận hành, bảo đảm an toàn khi khai thác... Song hành với đó là quá trình giải ngân và những cam kết về kỹ thuật từ phía nhà thầu. Còn ở dự án này, đến nay nhà thầu trễ hẹn đến nhiều năm, không bảo đảm kỹ thuật, không đưa ra được thời gian tàu chạy nhưng tiền vẫn được thanh toán cho thầu đến 78% (tương đương 509 triệu USD). Và nay, thay vì lấy chất lượng công trình, tiến độ thi công vượt trội để yêu cầu quyết toán, nhà thầu đã lấy sự yếu kém, ì ạch của công trình để mặc cả: trả tiền để bàn giao vận hành! "Chiêu" này có vẻ đang làm khó các cơ quan chức năng liên quan. Không đưa tiền thì dự án vẫn nằm đó và gây khó khăn càng lớn cho kinh tế, gây bất bình đối với người dân. Còn giao tiền, bây giờ là 50 triệu USD, ngày sau thì như thế nào và ai bảo đảm đoàn tàu sẽ chạy?
Cho đến nay, giá trị miễn cưỡng mà dự án Cát Linh - Hà Đông mang lại chính là những kinh nghiệm đau đớn khi làm ăn với những nhà thầu kém cả về chuyên môn lẫn uy tín. Chừng nào đoàn tàu còn nằm ì thì nó còn là "biểu tượng" cho sự thất bại của các cơ quan chức năng khi bắt tay hiện đại hóa giao thông đô thị. Sự thất bại này có tên, có địa chỉ có những con người cụ thể nhưng đáng buồn là chưa có ai dám đứng ra nhận trách nhiệm và càng buồn hơn là cơ quan chức năng cũng chưa chỉ rõ được người phải chịu trách nhiệm.
Bình luận (0)