Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa quản lý trên 23.456 ha rừng và đất rừng, trải dài trên địa bàn 5 xã của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập. Với độ che phủ rừng gần 93%, lâm phần quản lý lại có nhiều dãy núi đá vôi và các đỉnh núi cao nên nơi đây đã trở thành nơi trú ngụ của nhiều loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam.
Phong phú, đa dạng
Đến nay, đã có nhiều chương trình điều tra về linh trưởng tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa được thực hiện. Theo đó, đơn vị liên quan đã ghi nhận có 9 loài linh trưởng, thuộc 3 họ, gồm: cu li (cu li lớn, cu li nhỏ), khỉ (khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, khỉ mốc, khỉ đuôi lợn, chà vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh) và vượn (vượn siki) với tổng đàn lên đến cả ngàn con. Các loài này đều thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm quy định trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới (IUCN), Nghị định 06, Nghị định 64 của Chính phủ và Công ước CITES. Chúng phân bố, có mặt trên hầu hết tiểu khu rừng và thung lũng đá vôi các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn…
Những năm qua, trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây xuyên qua Khu BTTN này, người đi đường vẫn thường hay bắt gặp các đàn khỉ, voọc nối đuôi nhau chuyền cành hay tiếng vọng gọi bầy của chúng lúc tinh mơ. Tại các đợt triển khai lắp đặt máy bẫy ảnh để điều tra động vật, Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa cũng đã ghi lại được nhiều thước phim về quá trình di chuyển, tìm kiếm thức ăn của các loài khỉ với số lượng mỗi đàn lên đến hàng chục cá thể.
Trong các loài linh trưởng trên, vượn siki (Nomascus siki) - loài linh trưởng thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp (CR, Sách đỏ thế giới) được chọn làm logo của Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa. Vượn siki được ghi nhận trong các khu rừng thường xanh nhiệt đới, nửa thường xanh, đôi khi được ghi nhận tại các khu vực rừng trong thung lũng núi đá vôi chưa bị tác động bởi con người. Loài này dành phần lớn thời gian sống trên cây và rất ít khi xuống đất. Chúng thường sống thành các nhóm gia đình từ 2-4 con, thức ăn chủ yếu là lá cây và các loại quả chín.
Vượn siki không ghi nhận được thông qua bẫy ảnh mà chỉ nghe tiếng hót. Vì thế, để điều tra loài này, lực lượng bảo tồn phải phối hợp với các chuyên gia sử dụng thiết bị ghi âm chuyên dụng thu tiếng hót của chúng, từ đó xác định quần thể, số lượng cá thể. Trên cơ sở khảo sát và phân tích tiếng hót của vượn siki, Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đã xác định có hàng trăm con đang sinh sống tại 21 tiểu khu trong lâm phần quản lý.
Loài voọc Hà Tĩnh được ghi nhận tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa
Cận cảnh khỉ mặt đỏ được máy bẫy ảnh ghi nhận trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa
Chung sống hài hòa
Nhiều năm nay, dãy núi đá vôi nối liền xã Hướng Sơn và Hướng Lập là nơi sinh sống của loài voọc Hà Tĩnh (còn gọi là voọc đen gáy trắng). Đặc biệt, tại khu vực thôn Trĩa (xã Hướng Sơn) có 2 quần thể voọc Hà Tĩnh với hàng chục con đang sinh trưởng tốt.
Ông Trần Văn Mạnh, trưởng thôn Trĩa, nói người dân trong thôn sống hài hòa với thiên nhiên, với các loài động vật hoang dã. Tại thôn có dãy núi đá vôi cao khoảng 600 m so với mực nước biển, có nhiều đàn voọc Hà Tĩnh sinh trưởng ổn định. Không chỉ vậy, nhiều loài khỉ, voọc khác cũng kéo đến đây trú ngụ. Chúng rất dạn dĩ vì xưa nay người dân địa phương không săn bắt, xua đuổi.
"Người dân trong thôn không bao giờ đặt bẫy hay săn bắt các loài linh trưởng này. Người dân và chúng sinh sống hài hòa. Mỗi khi có đối tượng lạ đến đây, có hành vi đe dọa đến các loài động vật, chúng tôi đều theo dõi và phối hợp với lực lượng chức năng xua đuổi" - ông Mạnh nói.
Kỹ sư Trần Văn Hùng, Trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Trĩa (thuộc Khu BTTN Bắc Hướng Hóa), cho hay để bảo vệ tốt các đàn linh trưởng, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các "đầu tàu" của thôn, bản như bí thư chi bộ, trưởng thôn, già làng. Đây là những người có uy tín nên tiếng nói của họ rất có trọng lượng đối với người dân trong thôn. "Thông qua những người có uy tín này, các chủ trương, chính sách bảo vệ rừng, động vật hoang dã được phổ biến đến từng người dân, góp phần bảo vệ thật tốt" - ông Hùng khẳng định.
Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, cho biết thú linh trưởng là nhóm động vật bao gồm các loài thích nghi một phần hoặc thích nghi hoàn toàn với đời sống trên cây. Do đó, việc săn bắt và phá hủy sinh cảnh là 2 nhóm đe dọa đến đời sống các loài động vật nói chung, linh trưởng nói riêng. Thời gian qua, đơn vị này đã không ngừng phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân vùng đệm về công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt là công tác bảo vệ, bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm và ưu tiên bảo vệ các loài linh trưởng.
"Để bảo tồn có hiệu quả, ngoài việc ngăn chặn tình trạng săn bắt, chúng tôi tăng cường công tác tuần tra, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường thực thi pháp luật, kiểm tra, kiểm soát tình hình mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Nỗ lực của mỗi cá nhân, tập thể trong thời gian qua thể hiện mong muốn tạo nơi sinh sống bền vững, an toàn nhất cho các loài động vật hoang dã, trong đó có linh trưởng" - lãnh đạo Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa khẳng định.
Điều tra chuyên sâu
Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đang xây dựng kế hoạch, đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị trình UBND tỉnh này hỗ trợ kinh phí để điều tra chuyên sâu các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu tại lâm phần quản lý. Trong đó, có một số loài như voọc Hà Tĩnh, voọc chà vá chân nâu... Việc điều tra này nhằm xác định được số lượng quần thể, cá thể, nơi phân bổ, các mối đe dọa để từ đó có phương án bảo vệ, bảo tồn hữu hiệu nhất.
Bình luận (0)