Thật khó diễn tả nỗi đau xót của nhiều người khi biết chuyện, nhất là ba mẹ, người thân của em học sinh đã tử vong. Cú sốc này quá lớn, họ không dễ vượt qua. Hy vọng rằng với sự quan tâm thăm hỏi, động viên chân thành và kịp thời của lãnh đạo TP, các sở - ngành hữu quan và nhà trường, gia đình nạn nhân sẽ vơi bớt nỗi đau.
Thầy hiệu trưởng nhà trường, tại buổi họp báo chiều cùng ngày tại Trung tâm Báo chí TP HCM, cũng đã nêu rõ sự việc với báo giới, đồng thời thẳng thắn: "Cây đổ là sự cố đáng tiếc, nhà trường không mong muốn nhưng dù sao chuyện cũng đã xảy ra rồi. Nếu nói về trách nhiệm thì tôi xin nhận, vì mình là hiệu trưởng".
Cây phượng vĩ này được trồng từ năm 1996, đang xanh tốt và nở hoa, vào một sáng trời trong, không mưa gió mà lại bật gốc và đổ rất nhanh, đó là sự lạ, nguyên nhân gây đổ phải chờ báo cáo thẩm định của cơ quan chuyên môn để sáng tỏ thêm. Nhưng rõ ràng, tai nạn đã xảy ra như trường hợp này thì trách ai cũng không đành, kể cả thầy hiệu trưởng hay đơn vị quản lý cây xanh.
Có một câu phân trần của thầy hiệu trưởng khiến nhiều người áy náy: Quản lý cây xanh trong trường là trách nhiệm của hiệu trưởng, còn muốn đốn cây thì phải xin phép cơ quan chức năng.
Và vì vậy nên trong sân Trường THCS Bạch Đằng còn một cây phượng vĩ nữa, cũng bằng tuổi, sau sự cố ngày 26-5, nhà trường đề nghị đơn vị chuyên trách về cây xanh cho đốn luôn!
Từ vụ tai nạn thương tâm này, vấn đề an toàn học đường chắc chắn được sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành khuyến cáo; các ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ cảnh báo và tất nhiên, ban giám hiệu các nhà trường cũng sẽ hết sức thận trọng. Giữ hay đốn bỏ? Chắc chắn rất nhiều vị hiệu trưởng sẽ phải trả lời câu hỏi cân não này. Bởi khi các cơ quan quản lý đã nhắc nhở, phụ huynh đã lên tiếng mà lãnh đạo nhà trường vẫn để xảy ra trường hợp cây cối ngã đổ gây tai nạn thì hiệu trưởng sẽ khó mà giữ chiếc ghế của mình. Nên nhớ rằng phượng vĩ là loài cây được trồng phổ biến trong hệ thống trường học trên toàn quốc nhiều thập niên qua, gắn bó mật thiết với tuổi học trò; ngoài ra, sân trường còn một vài loài cây khác.
Cách đây ít hôm, một học sinh lớp 9 ở tỉnh Hải Dương bị điện giật tử vong khi đang tỉa cây vào giờ lao động trong khuôn viên nhà trường. Trước đó, nhiều nơi đã xảy ra không ít vụ học sinh tử vong hoặc bị thương khi đang ở trường, ở lớp. Ngành giáo dục không nên chỉ xem mỗi vụ tai nạn là "đáng tiếc" hoặc nhìn nhận sơ sài về "tác dụng cảnh báo", mà phải nhận thức rõ: Mất an toàn học đường, trách nhiệm đầu tiên là thuộc về ngành của mình!
Nhìn rộng ra, an toàn học đường không chỉ là an toàn tính mạng mà học sinh còn phải được bình yên về tinh thần. Trường hợp đi học sớm bị giáo viên chụp hình và đưa lên nhóm Zalo để "vấn tội" ở Hải Phòng vừa rồi, xét về góc độ hành vi, đó là một cách "khủng bố tinh thần" học sinh. Chuyện đó không bao giờ được chấp nhận trong môi trường sư phạm.
Bình luận (0)