Lúc đó là cuối năm 1994, gia đình tôi từ Hà Tĩnh vào Đắk Lắk được 2 năm, tôi mới 5 tuổi. Cả gia đình cơm ăn không đủ no, chen chúc nhau trong một ngôi nhà tranh vách đất nằm giữa cánh đồng.
Tuổi ham chơi, nghịch ngợm dại khờ
Buổi chiều tối hôm ấy, tôi nằm ôm bụng trên chiếc giường đơn ọp ẹp, gần đó là xô than mẹ quạt để hơ sau sinh thơm mùi bồ kết. Tôi nghe loáng thoáng cô hàng xóm nói với mẹ tôi ở ngoài cổng:
- Chị coi con bé có sao không? Hồi chiều tôi thấy nó bị trâu nhà ông Quang húc đấy!
Mẹ hốt hoảng đi vào, gặng hỏi, tôi lí nhí trả lời câu được câu mất, sợ hãi nghĩ đến trận đòn sắp tới của cha. Cha tôi nghiêm lắm, tính ông cộc cằn, rất ít khi nói được câu gì tình cảm. Ai cũng sợ cha, đặc biệt là tôi - đứa con gái cứ dăm ba ngày lại được ăn một trận đòn bằng cái roi cà phê nhỏ xíu cha bẻ vội.
Năm đó, tôi đang học mẫu giáo. Hôm ấy cuối tuần được nghỉ, chị Minh và cha làm ngoài vườn, em Kiên mới được hơn một tuổi và mẹ mới sinh em Cường được 20 ngày. Những ngày giáp Tết lạnh tê tái, gió rít từng cơn, trời đầy mây xám nặng nề, ầng ậc nước. Chắt chiu, dành dụm cả năm rồi cha mẹ cũng mua được cho mấy chị em mỗi đứa một bộ quần áo mới để mặc Tết. Tôi được mua cho cái áo hoa màu xanh, tôi thích lắm, chẳng chờ được đến Tết mà mặc ngay. Chị Minh với cha bận làm, mẹ bận chăm em Cường, cả nhà giao cho tôi trông Kiên. Tôi vốn ham chơi, hay tha thẩn ngoài đồng lội mương nghịch nước hoặc ra ngoài vườn dựng lều bằng mấy tàu lá chuối, lót cỏ nằm trong đó nghe mưa lắc rắc rơi bên ngoài. Dạo này tôi làm quen được với một chị lớn tuổi hơn tôi hay đi chăn con trâu to có nước da đen bóng, cặp sừng dài. Chị cho trâu ăn cỏ ở những khu vườn người ta chưa gieo trồng gì, cỏ mật, cỏ gà mọc đầy. Phải quanh quẩn trong nhà trông em chán quá, vả lại Kiên vốn ngoan cứ chơi chán lại ngủ, chẳng bao giờ khóc lóc đòi bế nên tôi tranh thủ lén mẹ đi ra chỗ chị ấy chơi, mặc luôn chiếc áo hoa xanh để khoe với chị. Tôi muốn ngồi trên lưng trâu như chị. Chị can:
- Em đừng leo, con trâu này nó không thích người lạ đâu.
- Không sao đâu chị, em sẽ leo thật nhẹ thôi.
Nói xong, tôi liền leo lên phía sừng trâu với ý định từ đó sẽ trườn lên lưng trâu. Nào ngờ, con trâu phần vì khó chịu, phần vì lạ người nên hất tôi lên không trung, tôi ngã nhào xuống đất. Chiếc áo hoa màu xanh mắc vào cây ngô mới bẻ trái, rách một đường dài. Tôi nhìn lại người, bụng chỉ bị xước da, yên tâm về nhà, sợ mẹ đánh nên nói dối là áo rách vì bị ngã, mắc vào cây ngô, giấu biệt chuyện bị trâu húc, cũng không dám chỉ cho mẹ vết xước nơi bụng. Lúc ấy trời chập tối, em Cường khóc nên mẹ cũng không hỏi nhiều. Nhưng được một lúc tôi bắt đầu đau bụng, đau quằn quại. Cũng có khi bụng tôi đã đau từ khi bị trâu húc nhưng vì quá sợ nên nó không cảm thấy cơn đau…
Cha tôi và các cháu
Kịp thoát khỏi lưỡi hái tử thần
Mẹ nghe tôi kể lập tức nói lại với cha. Tôi không hiểu tại sao lần này có khác gì những lần tôi bị ngã trước đâu mà sao bụng tôi đau dữ quá, rồi cha mẹ nữa, sao cha không đánh tôi, nạt tôi như cha vẫn thường làm mà khuôn mặt lại ngập tràn nỗi lo lắng, sợ hãi thế kia. Sao thế nhỉ? Đôi lúc tôi lịm đi nhưng cơn đau vẫn dai dẳng, không buông tha.
Tối muộn, cha đưa tôi vào trạm xá của nông trường. Thấy tôi đau quá, y sĩ tiêm thuốc giảm đau nhưng vẫn chẳng làm cơn đau bớt đi. Cha mua cho tôi một bịch kẹo chanh, loại kẹo đủ các màu xanh đỏ của con nhà nghèo, 500 đồng có thể mua được 20 cái (là loại kẹo rẻ nhất). Nhưng tôi đau, chẳng ăn nổi cái nào. Đến chiều hôm sau, tôi càng đau hơn, sẵn có xe cấp cứu cha lập tức thuê xe đưa tôi lên bệnh viện tỉnh. Khi tôi tỉnh lại thì đã nằm ở phòng hậu phẫu. Nghe cha kể, lên đến nơi bệnh viện cho tôi chụp X-quang và đưa vào phòng mổ ngay lập tức, bác sĩ nói chỉ cần trễ khoảng một hai tiếng nữa là tôi sẽ chết vì bị thủng ruột.
Tôi nghe từ "chết" bỗng dưng thấy sờ sợ dù với đầu óc non nớt của một con bé mới 5 tuổi tôi chưa hình dung ra chết là như thế nào. Nhà tôi nghèo, mới bán được con heo hơn chín trăm nghìn, chưa kịp vui thì đã phải bỏ ra lo tiền viện phí, không đủ còn phải vay thêm. Cha một mình chăm tôi trên bệnh viện mười lăm ngày, không có điện thoại gọi về nhà. Mọi việc từ lau dọn vệ sinh, giặt đồ, cho tôi uống thuốc, ăn cháo đều một tay cha. Khi tôi xuất viện trở về, cha là người tự tay cắt chỉ, rửa vết thương cho tôi khỏi nhiễm trùng cho đến ngày lành hẳn. Mỗi khi tôi đau, tôi nắm tay cha, nhìn cha và thấy cơn đau của mình dịu lại, không còn đáng sợ nữa, một sự yên tâm len lỏi khắp người giúp tôi chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
Tác giả (bìa trái) và các đồng nghiệp tại trường
Những bữa cơm không thức ăn
Mấy ngày sau khi tôi nhập viện, chị Minh với một cô hàng xóm mới lặn lội tìm lên, mang theo ít gạo, cá khô và mấy bộ quần áo. Cha mua thêm một cái nồi, tự nấu ăn bằng cái nồi ấy, chỉ toàn ăn cơm không sau khi mớ cá khô ít ỏi đã hết. Tôi được cha mua cháo thịt bằm cho ăn. Tôi hỏi sao cha ăn cơm không, mấy người cùng phòng bệnh cũng thắc mắc như vậy, cha nói vì cha quen ăn như thế rồi. Tôi biết cha nói dối vì hôm trước cha vẫn còn ăn cơm với cá khô. Ở nhà tuy mâm cơm luôn đạm bạc nhưng vẫn có chén canh tập tàng hay chén nước mắm.
Biết vậy nhưng tôi không dám hỏi lại cha, sau này lớn hơn nghĩ lại tôi mới vỡ lẽ vì cha không có tiền, toàn bộ số tiền cha có đã dồn vào việc trả viện phí và lo việc ăn uống của tôi. Cha không nỡ vì mua thêm thức ăn cho mình mà để con gái của ông phải thiếu thốn, đói lòng trong những ngày nằm viện. Bữa nào cũng giống bữa nào, tôi thì ăn tô cháo thịt bằm nóng sốt, thơm phức còn cha ăn cơm không, ăn trong lặng lẽ, chẳng nói cũng chẳng cười. Những ngày nằm viện dài lê thê kết thúc, cha gói ghém số đồ đạc ít ỏi của hai cha con cẩn thận, không quên đem theo nồi cơm ông đã mua để nấu những nồi cơm trắng rồi ăn trong cô đơn, mệt mỏi để về nhà…
Tôi thường lần giở, vá víu lại khoảng trời tuổi thơ của mình. Mỗi lần con tàu ký ức vụt qua đường ray trí nhớ, trong đầu tôi lại loang loáng chạy nối nhau hình ảnh con bé 5 tuổi nằm co ro trên giường bệnh với những cơn đau dài sau phẫu thuật, vết mổ dài nơi bụng hết thuốc tê đang quặn lên, quãng đường đến căng-tin bệnh viện tỉnh, nơi cha thường nắm chặt tay dắt tôi đi cùng vào mỗi buổi chiều chạng vạng. Quãng sau cùng của con tàu ký ức luôn là hình ảnh nồi cơm trắng của cha, dáng ngồi im lìm, khắc khổ của cha trong góc phòng bệnh, bóng cha in hằn trên bức tường trắng, mênh mang…
Gần 30 năm đã trôi qua kể từ khi tôi bị tai nạn thập tử nhất sinh ấy, vết sẹo dài từ cuộc phẫu thuật vẫn còn ở đó, không mờ đi chút nào như việc tôi chưa và sẽ không bao giờ quên khoảng thời gian nửa tháng trời tôi nằm viện và cha - một người đàn ông không thường làm việc nhà, cũng không quen chiều chuộng con cái đã lo cho đứa con gái bé bỏng của ông thật chu toàn.
Tôi bây giờ đã là mẹ của hai đứa trẻ, vì thế tôi càng thấu hiểu hơn sự lo lắng, sợ hãi của cha mẹ ngày ấy, khi tôi trót nghịch dại mà khiến họ đau lòng. Nước mắt chảy xuôi, sự hy sinh của những bậc sinh thành có những khi diễn ra trong thầm lặng, con cái lại thường vô tâm, xem đó là lẽ thường tình. Nhưng cũng không vì thế mà mẹ cha bớt đi sự yêu thương của họ dành cho những đứa con - khúc ruột của họ trong cuộc đời.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)