Lúc ấy, chủ đầu tư là một doanh nghiệp Việt kiều, được chính quyền sở tại chào đón nồng nhiệt. Người dân địa phương có lẽ cũng mừng thầm trong bụng, nhưng lý trí vẫn chưa thật sự tin về độ khả thi của dự án. Tôi ngồi đó, nghe mấy lão nông kháo nhau, rằng coi chừng "thùng rỗng kêu to", coi chừng "tốt mã rã đám"...
Bây giờ thì dự án ấy chẳng thấy đâu, địa điểm kia người ta đã làm nhà ở san sát, xen lẫn vài thửa đất trồng hoa màu. Quả là lời nghi hoặc năm nào của mấy lão nông tri điền đã thành thực tế, nhà đầu tư mãi biền biệt trời Tây.
Đi dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, thấy những vùng ven biển đã kín dự án, đất được chia lô từ lâu và lô nào cũng có chủ. Rất nhiều chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận, ghi vốn, thậm chí có trường hợp đã động thổ, song sau đó "bất động". Ra Bắc Trung Bộ và vào Nam Trung Bộ, cũng thấy tình trạng như thế khá phổ biến. Đất "vàng" nằm ỳ, hoặc vì chủ đầu tư cố ý chờ giá lên hoặc do doanh nghiệp đó không đủ năng lực triển khai, trong khi đó người dân mất sinh kế còn địa phương thì lãng phí nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Bao năm trời đằng đẵng như vậy, thất thoát và lãng phí chất chồng, biết bao nhiêu mà kể.
Mấy hôm nay, thông tin FLC bị Bộ Công an "sờ gáy" 10 dự án ở tỉnh Quảng Bình và chuyện địa phương không thu được nợ tiền thuê đất mấy trăm tỉ đồng từ tập đoàn này dù đã làm đủ mọi cách - dẫu gây chú ý nhưng không bất ngờ đối với dư luận. Chẳng riêng Quảng Bình mà nhiều tỉnh, thành khác cũng đang rà soát các dự án đã duyệt cho FLC triển khai trên địa bàn, thậm chí có tỉnh thu hồi không do dự giấy phép đầu tư. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó chủ yếu là: "xí" đất mà không triển khai dự án, không đền bù sau khi được giao đất, nợ thuế.
Những gì diễn ra hôm nay đã được tiên báo từ nhiều năm trước khi đi đâu cũng thấy tập đoàn A, công ty B với toàn đại dự án ngàn tỉ, chục ngàn tỉ. Các địa phương thì năm trước trống giong cờ mở chào đón, năm sau ba chân bốn cẳng thu hồi, không làm thì phải chịu trách nhiệm. Bài học thu hút đầu tư tuy dễ thuộc nhưng học phí rất đắt!
Trong kinh tế học có khái niệm "Race to the bottom", hiểu theo tiếng Việt rất hình tượng là "cuộc đua xuống đáy", ám chỉ các địa phương/vùng đua nhau đưa ra ưu đãi và nới lỏng quy định nhằm kéo nhà đầu tư đổ vốn về chỗ mình, hậu quả là chất lượng dự án/công trình bết bát, tiền lương/phúc lợi của người lao động bị cắt giảm và lợi ích xã hội bị phương hại. Vấn đề này đã từng được các kinh tế gia cảnh báo, trong đó có giáo sư người Mỹ từng đoạt giải Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz. Tháng 11-2004, trong buổi thuyết trình tại TP HCM mà người viết bài này được dự, ông đã nêu nguy cơ sẽ diễn ra "Race to the bottom" giữa các tỉnh - thành tại Việt Nam trong chạy đua thu hút đầu tư bằng mọi giá. Và nay, lời của ông đang là thực tế nhãn tiền.
Bình luận (0)