Thời gian qua, các dự án điện gió như "cơn lốc" đổ bộ vào huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Riêng tại xã Húc, cùng lúc có đến 4 dự án điện gió được triển khai thi công vào đầu năm nay.
Kẻ mừng, người lo
Xã Húc biến thành đại công trường lớn. Suốt ngày xe cộ của các công ty điện gió vào ra nườm nượp, bụi đất mù trời. Bây giờ, đứng ở bất kỳ bản làng nào ở xã này, chúng ta cũng thấy núi đồi bị ủi ngang, xẻ dọc. Từng mảng đất trên núi cao lộ ra, đỏ ối. Người Vân Kiều, vốn kính sợ "thần rừng", "ma núi", liên tưởng màu đỏ của đất tựa như… "máu của Mẹ Rừng".
Húc là "địa chỉ đỏ" cần quan tâm, hỗ trợ sau trận thiên tai vào cuối năm 2020. Khi đó, xã này bị sạt lở đất rất nghiêm trọng, có đến gần chục người tử vong, giao thông chia cắt cả tháng trời. Đến giờ, nhắc lại trận thiên tai kinh hoàng đó, nhiều người vẫn ám ảnh không thôi. Vì thế, khi các dự án điện gió cùng lúc "đổ bộ" đến, dân bản mang nhiều tâm trạng khác nhau. Có người vui mừng nhưng không ít người tỏ ra rất lo lắng.
Ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc, cho biết người dân trên địa bàn phần lớn là đồng bào Vân Kiều, quanh năm bám nương rẫy, sản xuất theo hướng tự cung tự cấp. Sau khi các dự án điện gió "đổ bộ", nhiều hộ dân trên địa bàn được đền bù với số tiền lớn. Nhiều hộ khó khăn phút chốc trở thành "triệu phú", "tỉ phú". Tuy vậy, đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa thể nắm được có bao nhiêu hộ dân đã nhận đền bù. Bởi vì việc giải phóng mặt bằng đất đai do các công ty điện gió tự thỏa thuận với người dân.
Ông Hồ Văn Mẹc, Trưởng thôn Húc Thượng (xã Húc), có vẻ tường tận hơn khi cho biết thôn nhà có khoảng 80/162 hộ dân nhận được đền bù từ các dự án điện gió. Trong đó, có hộ được đền bù đến 4 tỉ đồng, còn lại từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỉ đồng. Có điểm chung là số người được đền bù ở Húc Thượng phần lớn là hộ nghèo và những đôi vợ chồng vừa tách hộ. Đây là những hộ vì thiếu đất sản xuất nên tìm lên núi cao để khai hoang. Không ai ngờ, những thửa đất này lại "trúng" dự án, phút chốc có tiền triệu, tiền tỉ trong tay.
Theo ông Mẹc, người dân địa phương được đền bù với số tiền lớn nên rất vui. Sau khi nhận được tiền đền bù, phần lớn bà con trong thôn đều gửi ngân hàng lấy lãi. Người chưa có nhà thì xây nhà, chưa có xe máy thì mua để thuận tiện đi lại. "Tại Húc Thượng có hơn chục ngôi nhà đang xây mới, rất kiên cố. Bà con nay đã biết quản lý đồng tiền của mình, không còn cảnh nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, "vung tay" tiêu tiền được đền bù như trước đây nữa" - ông Mẹc khẳng định.
Thế nhưng, ông Mẹc cũng thổ lộ rằng trước cảnh đồi núi bị san gạt để làm điện gió, bản thân ông rất lo lắng. Bởi vì địa bàn Húc Thượng nói riêng và xã Húc nói chung đều nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đồi, nếu sạt lở xảy ra thì hậu quả sẽ khó lường.
Các dự án điện gió ở xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thi công trên núi cao, bên dưới là bản làng của người Vân Kiều
Bây giờ, đứng ở bất kỳ bản làng nào ở xã này, chúng ta cũng thấy núi đồi bị ủi ngang, xẻ dọc
Cánh đồng điện gió ở huyện Hướng Hóa
"Thổi bay" tình thân
Các dự án điện gió đến cùng lúc tại địa bàn xã Húc gây áp lực lớn lên công tác giải phóng mặt bằng; không chỉ phía các công ty mà từ ông trưởng thôn đến chủ tịch xã Húc cũng phải "đau đầu" theo.
Theo ông Hồ Văn Ka Rai, lúc đầu, các công ty điện gió phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quy chủ đất đai, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, sau vài lần phối hợp, các công ty "tách" ra, tự thương lượng với người dân. Chính quyền địa phương chỉ "được" tham gia khâu cuối cùng là xác thực chữ ký khi đôi bên đã giao nhận tiền đền bù. Nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn cũng xuất phát từ việc "tự thương lượng" này.
Ông Hồ Văn Mẹc nói rằng tuy cánh quạt gió chưa dựng lên nhưng đã "thổi bay" tình thân của nhiều gia đình. Như trường hợp bà H.T.T (ngụ thôn Húc Thượng), tuổi già, bệnh tật đeo bám nên cuộc sống rất khó khăn. Con trai bà T. được công ty điện gió đền bù gần 1 tỉ đồng, cho mảnh đất mà mẹ mình cắt cho khi ra riêng, thế nhưng không cho mẹ đồng nào. Bà T. chỉ biết thở ngắn than dài, thân già ngày càng héo hon.
Hay như trường hợp ông Hồ Văn Ph. (62 tuổi, ngụ thôn Ván Ri, xã Húc) cũng là một ví dụ buồn. Chuyện là ông Ph. có người em con chú bác ruột vừa nhận được số tiền đền bù 3 tỉ đồng của công ty điện gió cho mảnh đất ông cắt cho khi cưới vợ ra riêng. Người em này được ông Ph. cưu mang, nhường cơm sẻ áo từ tấm bé vì sớm mồ côi cha mẹ; khi lớn lên, được ông Ph. cưới vợ, cho đất xây dựng gia đình nhưng chẳng giúp gì cho ông đồng nào, dù đã 3 lần tìm đến nhà ngỏ lời, lại bị người em thẳng thừng từ chối, thậm chí chửi mắng, xua đuổi. "Mới đầu năm nay, anh em tôi vẫn thường lui tới, vui vẻ với nhau. Nhưng bây giờ tình cảm không còn như xưa nữa. Tôi buồn quá!" - ông Ph. nghẹn giọng.
Cúng bái "trỗi dậy"
"Chuyện người sống làm mất lòng nhau cũng bình thường thôi. Người Vân Kiều sợ nhất là làm "mất lòng" người đã chết" - một cán bộ ở huyện Hướng Hóa nói và khẳng định chưa năm nào việc cúng bái ở rừng diễn ra nhiều như năm nay. Tìm hiểu mới hay nguyên do là khi "cái điện gió" về bản, nó đã "đụng" vào những cánh "rừng ma" lâu đời của dân bản. "Rừng ma" chính là nơi chôn cất ông bà, tổ tiên của họ. Người Vân Kiều xưa nay đều xem rừng ma là chốn linh thiêng, là nơi bất khả xâm phạm. Vì thế, bất kể ai gây ra tiếng động hay chặt phá cây trong rừng ma đều bị bắt phạt cúng trâu, cúng heo để làm lễ tạ lỗi. Nhiều lễ cúng như thế đã diễn ra ở huyện Hướng Hóa như ở các làng Tà Ri 1, Húc Ván (thôn Ván Ri, xã Húc), 2 rừng ma của các dòng họ ở thôn Cheng (xã Tân Liên)… Tất nhiên, chi phí cho việc cúng bái đều do các công ty điện gió liên quan hỗ trợ, có nơi lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ông Hồ Văn Ka Rai thừa nhận bản thân đang "đau đầu" để tìm cách giải quyết cho hơn 30 hộ dân, khi họ tìm đến xã để yêu cầu một công ty điện gió hỗ trợ tiền làm lễ cúng… tiếng động. Họ là những gia đình có người thân chôn cất ở rừng ma thôn Ván Ri. Trước đó, trong quá trình xây dựng đường dây truyền tải điện lưới, một công ty điện gió đã đưa xe cơ giới chạy qua bìa rừng ma thôn này. Vì cho rằng phương tiện vào ra đã tạo ra tiếng động, ảnh hưởng đến khu rừng ma nên nhiều người dân yêu cầu phải hỗ trợ tiền để mua heo, gà, rượu… làm lễ cúng tạ lỗi.
Ông Hồ Ta Lan (52 tuổi, ngụ thôn Miệt Cũ, xã Hướng Linh), một trong những người đến yêu cầu công ty điện gió hỗ trợ, nói: "Xe chạy rầm rập, động đến rừng ma như thế, nếu không cúng để tạ lỗi thì sợ lắm, con cháu sống không yên được đâu. Nếu xã không giải quyết được thì chúng tôi lên hỏi huyện thôi!".
Công ty điện gió trên sau đó đã tự thương lượng, hỗ trợ tiền cho 10 hộ dân có người thân chôn cất ở rừng ma làm lễ cúng. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ mỗi hộ bao nhiêu thì ông Ka Rai không nắm rõ vì công ty không nói và người dân cũng không tiết lộ.
Nhiều nguy cơ khó lường
Tại huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) có trên 30 dự án điện gió được triển khai xây dựng; bên cạnh đó, hàng chục dự án đang nghiên cứu, chờ bổ sung vào quy hoạch. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này, quá trình triển khai các dự án điện gió phần lớn thu hồi đất rừng (gồm rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất), một số dự án có ảnh hưởng đến đất ở và đất canh tác, do đó gây tác động đến hệ sinh thái, chức năng của rừng và kinh tế của người dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số.
Khu vực các dự án điện gió chủ yếu là đồi núi cao (từ 700 - 850 m so với mực nước biển), địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn nên khả năng sạt lở đất khi có mưa lớn kéo dài có thể xảy ra. Đặc biệt, trong quá trình thi công, thảm thực vật bề mặt bị mất làm cho đất dễ bị thấm nước và mất độ liên kết nên rất dễ xảy ra sạt lở đất. Ngoài ra, việc lắp đặt bệ tua-bin, cáp ngầm, đường vào và hạ tầng phụ trợ khác có thể dẫn tới việc tăng xói mòn, lắng cặn và bồi lắng của nước bề mặt.
Bình luận (0)