Sau khi Bộ Giao thông Vận tải đồng ý khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi và đến TP Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 7-9, nhiều tỉnh, thành vẫn tiếp tục biện pháp cách ly 14 ngày đối với những người đến từ Đà Nẵng. Tuy nhiên, cũng có tỉnh chỉ áp dụng công tác kiểm tra theo dõi y tế.
Quảng Nam - Quảng Ngãi: Không cách ly tập trung
UBND tỉnh Quảng Nam vẫn duy trì các chốt kiểm soát, nhất là vùng giáp ranh với TP Đà Nẵng, yêu cầu người dân từ TP Đà Nẵng về và có lưu trú tại tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt "Thông điệp 5K" theo khuyến cáo của Bộ Y tế, gồm: đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách và khai báo y tế.
Sáng 7-9, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19), cho biết tỉnh này đã quyết định nới lỏng một số hoạt động, chuyển sang trạng thái bình thường mới, tập trung ổn định sản xuất và hoạt động các khu dịch vụ, cho phép hoạt động du lịch đến Lý Sơn được tổ chức đón khách trở lại, tạm dừng 6 chốt kiểm tra y tế đường bộ, đường sắt. Tuy nhiên, Quảng Ngãi vẫn sẽ duy trì chốt chặn đường biển, chưa cho hoạt động trở lại dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage.
Đối với người dân đi về từ vùng có dịch như Đà Nẵng sẽ không tổ chức cách ly tập trung nhưng người dân phải có xác nhận không mắc Covid-19 của ngành y tế tại nơi đi. Tiếp tục tổ chức cách ly tập trung các trường hợp đi về từ địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ, các trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh Covid-19…
Huế - Bình Định - Quảng Bình - Quảng Trị: Cách ly 14 ngày
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng dịch khi công dân từ vùng có dịch đến địa phương này với mục đích cá nhân. Theo đó, người nào muốn đến tỉnh này phải đăng ký khai báo y tế để được xem xét, phê duyệt. Sau khi được phê duyệt vào Thừa Thiên - Huế, người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi đến các chốt kiểm tra liên ngành. Thời gian lưu trú tại Thừa Thiên - Huế tối đa là đến thời điểm hết hạn 72 giờ tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Trường hợp có nhu cầu cấp thiết muốn tiếp tục ở lại thì phải lấy lại mẫu để xét nghiệm chậm nhất 12 giờ trước khi kết thúc thời hạn 72 giờ của lần xét nghiệm RT-PCR trước đó.
Còn theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, địa phương vẫn tiếp tục thực hiện quy định cách ly y tế tập trung đối với những người đến/ở/về từ TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cũng cho biết đối với người từ Đà Nẵng đến địa phương này hoặc người Quảng Trị trở về từ Đà Nẵng phải áp dụng cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Dự kiến ngày 10-9, tỉnh Quảng Trị sẽ đón khoảng 300 công dân tỉnh này đang tạm trú tại TP Đà Nẵng về quê theo nguyện vọng.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, cho biết người dân Quảng Bình từ Đà Nẵng có nguyện vọng trở về quê sẽ được cách ly, theo dõi tại nhà 14 ngày.
Các tuyến xe khách liên tỉnh từ Đà Nẵng đi Quảng Bình, Quảng Trị đã hoạt động trở lại. Ảnh: QUANG LUẬT
TP HCM xét nghiệm cho nhân viên cơ sở bảo trợ xã hội
Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM chiều cùng ngày, GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết hiện toàn TP HCM chỉ còn 5 ca Covid-19 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Ngành y tế vẫn tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh, trong đó nổi bật là hoạt động xét nghiệm Covid-19 cho các nhân viên công tác tại các đơn vị bảo trợ xã hội, nhằm bảo vệ đối tượng nguy cơ là người cao tuổi, người tàn tật. Trong 382 mẫu đã được lấy có 139 mẫu có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang chờ kết quả. "Sắp tới, TP HCM cũng có kế hoạch xét nghiệm sàng lọc tại các chợ đầu mối" - ông Bỉnh thông tin.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, TP đã ở trong trạng thái bình thường mới nhưng không được lơ là, cần chuẩn bị tinh thần ứng phó với dịch trong thời gian dài, hình thành nếp sống mới phù hợp với tình hình dịch bệnh. Chiều cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM đã phát đi thông báo cụ thể về biện pháp giám sát y tế đối với người đến từ Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 5-9. Theo đó, thay vì bắt buộc cách ly tập trung như thời gian trước đó, người đến từ Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 5-9 chỉ thực hiện khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Riêng các trường hợp có yếu tố dịch tễ rõ ràng như tiếp xúc ca bệnh xác định, đến các bệnh viện có ca nhiễm, sống ở tổ, thôn, ấp đang có ca bệnh... thì cần khai báo tại trạm y tế để được điều tra dịch tễ chi tiết.
Việt Nam điều trị khỏi 835 ca bệnh Covid-19
Bộ Y tế chiều 7-9 cho biết trong ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19. Hiện tổng số ca mắc vẫn là 1.049 ca, trong đó 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước và 358 ca bệnh nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đã 5 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng. Trong ngày, có 38 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chủ yếu ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương, nâng số ca điều trị khỏi ở nước ta lên 835 ca. Số bệnh nhân tử vong là 35.
N.Dung
Bình luận (0)