Công trình này không hề nằm ở rừng sâu núi thẳm để khó thấy, mà ngay bên đường đi, không đáng để gọi là xa trụ sở UBND phường Thủy Dương.
Nó rất hoành tráng, tập hợp nhiều hạng mục xây dựng qui mô, tỉ mẫn đến từng chi tiết bài trí, kiên cố đến cả cái hàng rào, cần thời gian thi công tính bằng năm chứ không phải lén lút đêm hôm.
Nói thế để thấy: Vi phạm xảy ra ở "biệt phủ" này là công khai trước bàn dân thiên hạ, thường dân cũng thấy thì dễ gì lọt qua sự kiểm soát của chính quyền.
Mà thực tế thì từ năm 2019, ngay khi chủ đầu tư đổ ra vài xe đất san lấp ao hồ trên đất qui hoạch nuôi trồng thủy sản để đầu tư tạo dựng "biệt phủ" thì chính quyền địa phương đã "tuýt còi". Một tổ công tác của UBND phường Thủy Dương đã lập biên bản "Vi phạm hành chính và yêu cầu dừng thi công xây dựng công trình vi phạm" đối với ông Nguyễn Thanh Phước (ngụ tại địa phương) vì "Đã có hành vi vi phạm hành chính: Tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng".
Không chỉ vậy mà ngay sau đó, Chủ tịch UBND phường Thủy Dương là ông Ngô Hữu Thuận đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Thanh Phước, đồng thời buộc trả lại hiện trạng cũ.
Nhưng lạ là, cứ như có phép màu, thay vì "trả lại hiện trạng cũ" thì công trình cứ thế tiếp tục thi công cho đến khi hoàn thiện.
Chính quyền phường Thủy Dương từ năm 2019 đến nay có hoạt động không? Có.
Ngân sách Nhà nước có trả lương cho cán bộ, viên chức phường Thủy Dương từ năm 2019 đến nay không? Có.
Chính quyền cấp phường như Thủy Dương có đủ thẩm quyền và lực lượng để xử lý dứt điểm đối với hành vi vi phạm như thế hay không? Có.
Vậy, vì sao lại để một công trình thi công trái phép, sau xử phạt thì vi phạm còn nghiêm trọng hơn?
Đừng vin vào lý do này hay lý do khác để nguỵ biện, mà phải nói thẳng là đã có sự bao che, dung túng cho hành vi sai phạm này? Chính quyền thì luôn phải "thượng tôn pháp luật" nên không thể bao che, dung túng cho sai phạm, vậy thì chỉ có cá nhân có chức có quyền mới làm nổi việc này.
UBND thị xã Hương Thủy vừa có công văn gửi UBND phường Thủy Dương, chỉ đạo xử lý vụ việc. Chưa rõ lần này có xử lý dứt điểm không, hay công trình trái phép lại tiếp tục hoành tráng thêm như đã từng diễn ra? Và, quan trọng hơn cả là việc xử lý vi phạm đối với chủ đầu tư, đấy là phải truy cho được cán bộ nào đã thiếu trách nhiệm, đã bao che dung túng cho chủ đầu tư?
Tìm ra rồi thì phải xử lý nghiêm.
Vụ việc tương tự ở phường Thủy Dương cũng từng xảy ra ở một số địa phương khác. Chẳng hạn như vụ "biệt phủ" xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp tại chân núi Hải Vân (TP Đà Nẵng). Vụ việc được phát hiện vào khoảng những năm 2015-2017. Chính quyền TP Đà Nẵng sau đó đã kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ, dù chủ đầu tư của 2 "biệt phủ" ấy là những nhân vật đầy thế lực.
Gần đây nhất là công trình "biệt phủ" xây không phép với tổng diện tích hơn 633 m2 cùng các công trình phụ trợ khác tại ngay tại Hồ Nam Phương 1 - khu vực quy hoạch kêu gọi thu hút đầu tư dự án khu đô thị dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng của TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đến thời điểm này, sau sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh uỷ và UBND tỉnh Lâm Đồng, các hạng mục cuối cùng của công trình này đã được cưỡng chế tháo dỡ triệt để.
Những vụ "biệt phủ" xây trái phép như đã nêu đều giống nhau ở chỗ hành vi vi phạm xảy ra trong thời gian dài, diễn ra công khai và chính quyền cơ sở biết, rồi cũng đã có những xử lý ban đầu, nhưng rốt cuộc sau đó công trình vẫn hoàn thiện mặc sự ta thán của dân chúng, thách thức dư luận, thách thức pháp luật (?).
Đà Nẵng đã xử lý được "biệt phủ" xây dựng trái phép, Lâm Đồng cũng đã xử lý được, vậy Thừa Thiên - Huế có xử được không?
Chính quyền cơ sở mạnh hay yếu, đôi khi dân chúng chỉ cần nhìn vào việc xử lý những hành vi vi phạm cụ thể kiểu này là đủ để cảm nhận!
Bình luận (0)