Sau khi Báo Người Lao Động cùng nhiều báo khác phản ánh về những bất cập của tuyến buýt nhanh (BRT) 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, đánh giá hiệu quả của dự án này.
Không tương xứng với đầu tư
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, cho biết BRT 01 là tuyến đầu tư thí điểm đầu tiên ở Hà Nội cũng như Việt Nam từ nguồn vay ODA. Sau khi được đầu tư, TP đã bàn giao Tổng Công ty Vận tải Hà Nội quản lý và vận hành khai thác từ ngày 1-1-2017.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành giao thông công cộng Hà Nội và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sau hơn 4 năm hoạt động, loại hình BRT đã mang lại những hiệu quả nhất định, được nhân dân tin tưởng sử dụng và đánh giá tốt về chất lượng phục vụ, sản lượng hành khách ngày càng tăng. Cụ thể, tổng hành khách vận chuyển năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt, tăng 6,3% (tăng 312.061 lượt hành khách) so với năm 2017; sản lượng năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt, tăng 3,7% (tăng 201.569 lượt hành khách) so với thực hiện cùng kỳ năm 2018. Năm 2020, sản lượng đạt 5,35 triệu lượt, giảm 2,6% so với năm 2019 (giảm 145.559 lượt hành khách), trong khi toàn mạng giảm 25,7% chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây cũng là tuyến xe buýt có sản lượng hành khách đi vé tháng cao nhất toàn mạng: bình quân đạt 2.200 hành khách/tháng giai đoạn 2018-2019 và 1.400 hành khách/tháng vào năm 2020.
Sau hơn 4 năm hoạt động, tuyến BRT 01 của Hà Nội không mang lại hiệu quả như kỳ vọng Ảnh: NGÔ NHUNG
Dù lượng khách có xu hướng tăng nhưng so với mức đầu tư cả ngàn tỉ đồng, tuyến buýt nhanh đầu tiên này vẫn bị cho là thất bại.
Ông Vũ Văn Viện cho rằng tuyến BRT 01 thí điểm là 1 trong 8 tuyến BRT theo quy hoạch tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch GTVT thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động còn nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên đầu tư BRT tại TP Hà Nội tiếp hay không. Vì thế, cần nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học và thực tiễn về hiệu quả của việc thí điểm BRT 01, làm rõ những mặt được, hạn chế để cân nhắc xem có tiếp tục quy hoạch và đầu tư các tuyến BRT trong tương lai hay không.
Cần xử lý dứt điểm
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng tuyến buýt nhanh 01 của Hà Nội thất bại là do chưa đáp ứng đầy đủ những tiêu chí của dịch vụ BRT - vận tải công cộng khối lượng lớn bằng xe buýt - như các tuyến BRT đang vận hành trên thế giới. Nguyên nhân đầu tiên là đầu tư quá chậm. Tuyến BRT này đáng lý phải đầu tư đưa vào hoạt động từ khoảng năm 2004-2005 nhưng mãi đến năm 2017 mới khai trương dịch vụ, mà đến lúc này, mật độ đô thị, nhu cầu đi lại dọc hành lang tuyến đã khác rất xa, thậm chí đòi hỏi chúng ta phải có đường sắt đô thị. Ông Hùng nhấn mạnh nếu đầu tư hoàn thành sớm vào thời điểm những năm 2004-2005 thì đến nay, tuyến BRT 01 đã hoàn thành sứ mệnh của mình để chuyển giao sang một loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn hơn là đường sắt trên cao, đường sắt đô thị.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, năng lực cung ứng dịch vụ của tuyến BRT 01 quá yếu, chưa đáp ứng tiêu chí cơ bản của BRT. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD là đắt vì phải nhập khẩu toàn bộ, ngay cả những cái nhỏ nhất, mới có một mô hình ban đầu. Đặt trường hợp tiếp tục làm tuyến BRT thứ hai thì chắc chắn sẽ rẻ hơn nhiều. "Có thể nói tuyến BRT 01 của Hà Nội giống như một vận động viên bị trói chân lại rồi được yêu cầu tham gia chạy thi ở giải chuyên nghiệp đỉnh cao và khi không giành được huy chương thì có nguy cơ bị kỷ luật" - ông Hùng ví von.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chia sẻ ông rất buồn cho số phận của xe buýt nhanh Hà Nội. Đây là một ý tưởng tuyệt vời nhưng thực hiện một cách thiếu thận trọng, không nghiêm túc nên có nguy cơ phá sản. "Tuyến BRT 01 có rất nhiều điểm bất cập, đến nay thì đã thấy rõ. Hà Nội cần dồn sức để làm tuyến BRT một cách nghiêm túc, hoàn thiện. Nếu TP quyết tâm thực hiện thì cần làm đồng bộ cả 8 tuyến BRT, từ đó mới tăng được khả năng kết nối của tuyến, cũng như hòa vào mạng lưới giao thông công cộng hiện có của thủ đô. Còn nếu xác định không đủ nguồn lực để đầu tư một hệ thống BRT nghiêm túc, hoàn chỉnh thì nên mạnh dạn dẹp bỏ. Việc đầu tư nhỏ lẻ, manh mún vài năm một tuyến thế này thì kết quả thất bại sẽ tiếp tục lặp lại" - ông Thanh nói thêm.
Vì thế, theo ông Nguyễn Văn Thanh, cần đánh giá, nhìn nhận kỹ lưỡng dự án này dưới con mắt một nhà khoa học để đưa ra những quyết sách đúng đắn, xử lý dứt điểm, tránh tình trạng "nửa vời" vừa lãng phí tiền của vừa không đem lại hiệu quả.
Phải dừng ngay!
Tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7 km, có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD. Dọc tuyến có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe. Xe BRT gồm 35 chiếc (mỗi chiếc trên 5 tỉ đồng), sức chứa 90 hành khách; vận doanh 22 xe ngày bình thường và 16 xe ngày chủ nhật. TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, đánh giá qua 4 năm hoạt động, tuyến BRT 01 của Hà Nội hiệu quả mang lại không như mong đợi. "Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến BRT nhưng đã đến lúc cần nhìn thẳng vào bài học thất bại của tuyến BRT 01 để suy xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới BRT trong tương lai. Tôi kiến nghị cho dừng ngay tuyến BRT 01, không thể dành riêng một làn đường cho tuyến buýt nhưng không mang lại hiệu quả. Đồng thời, cần dừng triển khai BRT ở Hà Nội, đến khi nào chúng ta có đủ điều kiện thì mới triển khai" - ông Thủy đề xuất.
Bình luận (0)