Nhiều năm kêu cứu không thành công, dù rất nản nhưng hơn một tháng nay, người dân khu vực cầu La Ngà (bên sông La Ngà, dọc Quốc lộ 20, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) lại liên tục kêu cứu vì cho rằng Công ty TNHH AB Mauri (Công ty Mauri), chuyên sản xuất men thực phẩm phụ gia, gây mùi hôi khiến họ không thể chịu đựng thêm nữa.
"Cả đời như sống trong lô cốt"
Có mặt tại khu vực nhà máy của Công ty Mauri (ấp 4, xã La Ngà), chúng tôi nghe không ít bức xúc từ người dân. Bà Lê Thị Tình (61 tuổi) đón chúng tôi vào nhà và đưa ra cả tập đơn tố cáo doanh nghiệp gây ô nhiễm, trong khi không khí khu vực vẫn còn mùi hăng hắc rất khó chịu. Bà Tình cho biết hơn một tháng nay, đặc biệt khi vào mùa mưa, mùi hôi đặc trưng lại bốc lên nồng nặc, "nhức" đến tận óc. Tay khua xấp đơn thư, bà Tình khẳng định đó là mùi hôi từ nhà máy của Công ty Mauri.
Sự cố từ bể xử lý nước thải của Công ty Mauri gây ô nhiễm nặng nhưng chỉ bị lập biên bản ghi nhận sự việc mà không hề có biện pháp chế tài
Bà Lê Thị Tình là người ròng rã gần 20 năm đi đòi quyền lợi cho người dân bị "tra tấn" bởi mùi hôi thối từ nhà máy của Công ty Mauri. Theo bà, tình trạng ô nhiễm khí độc ngày càng đáng sợ khiến không ít người lo sợ cho sức khỏe của bản thân đã phải bỏ nhà đi nơi khác. "Nói bỏ nhà là vì bán nhà trong vùng ô nhiễm chẳng ai mua nếu như không bán với giá rẻ như cho" - bà Tình chua chát và thông tin mình từng "thách" cơ quan chức năng đào hệ thống cống của Công ty Mauri, nếu chất thải vẫn trong giới hạn cho phép thì bà sẽ chịu trách nhiệm! "Cơ quan chức năng phải có giải pháp triệt để. Chứ hàng chục năm nay chúng tôi sống không ra sống…" - ông Nghĩa, chồng bà Tình, nói xen vào.
Không riêng gia đình bà Tình, hàng trăm hộ dân trong vùng cũng chỉ biết thường xuyên kêu trời và tự tìm cách chống lại mùi hôi. Bà Trần Thị Lý và những nhà hàng xóm phải dùng xốp, keo dán kín các cửa sổ, khe hở của nhà mình để chống mùi hôi. "Khổ lắm, cả đời như sống trong lô cốt…" - bà Lý rầu rĩ. Còn ông Trần Ngọc Thắng, trưởng ấp, xác nhận trong nhiều năm qua, ông liên tục nhận phản ánh từ người dân về tình trạng bị "tra tấn" bởi mùi hôi. Bản thân ông cũng đồng hành cùng người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm từ nhiều năm qua nhưng tình hình không được giải quyết dứt điểm. Trong các đơn cầu cứu, có khi đến gần 500 hộ dân ở các ấp 1, 2, 3 của xã La Ngà cùng ký tên. "Không ai muốn suốt ngày cầm đơn đi khiếu nại, mong cơ quan chức năng có phương cách giúp người dân…" - ông Thắng nói.
Ém thông tin?
Làm việc với chúng tôi, đại diện Công ty Mauri chỉ thừa nhận để xảy ra sự cố mùi hôi nặng trong khoảng thời gian đầu tháng 4 và đã có văn bản gửi UBND xã La Ngà, UBND huyện Định Quán, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo khắc phục sự cố. Văn bản ghi rõ vào ngày 18-4, trong quá trình hoạt động sản xuất, công ty phát hiện hệ thống xử lý nước thải xảy ra các vấn đề kỹ thuật dẫn đến nạp tải cao hơn mức bình thường. Ngay khi phát hiện, công ty đã tập trung thực hiện các giải pháp xử lý. Quá trình xử lý bắt đầu từ ngày 18 đến 25-4. Biên bản ghi nhận vụ việc có sự chứng kiến của các đơn vị chức năng địa phương. "Do sự cố kỹ thuật, sai sót trong xử lý, công ty đã để xảy ra sự cố từ bể xử lý nước thải" - bà Phạm Mỹ Linh (Giám đốc nhân sự Công ty Mauri) thừa nhận.
Nhà bà Trần Thị Lý tại ấp 4, xã La Ngà phải bịt kín các khe hở để chống mùi hôi từ nhiều năm nay
Tuy nhiên, khi chúng tôi làm việc với Phòng TN-MT huyện Định Quán, UBND huyện Định Quán, các đơn vị này lại cho biết chỉ ghi nhận bước đầu và báo cáo sự việc lên cấp tỉnh, chứ không có giải pháp, chế tài nào đối với hành vi vi phạm trên. Đến ngày gần nhất (14-5), người dân phản ánh, cán bộ TN-MT tiếp tục xuống ghi nhận vụ việc và bước đầu xác định mùi hôi từ nhà máy công ty này. Thế nhưng, phía công ty khẳng định hoạt động bình thường, không xảy ra sự cố. Ông Ngô Hồng Phúc, Trưởng Phòng TN-MT huyện Định Quán, cho biết sau khi lập biên bản tình trạng xảy ra sự cố, huyện đã báo cáo lên tỉnh để giải quyết.
Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, tỏ ra bất ngờ khi sự cố xảy ra hơn một tháng, các đơn vị đã báo cáo lên tỉnh nhưng thông tin lại không đến ông. "Tôi sẽ chỉ đạo giám sát chặt và làm rõ nguyên nhân cũng như báo cáo lên trên…" - ông Đức nói.
Công ty Mauri nằm cách làng bè La Ngà - nơi xảy ra vụ cá nuôi trên sông của người dân vừa qua chết hàng loạt - vài trăm mét. Trong việc tìm nguyên nhân gây ô nhiễm khiến cá chết, người dân không loại trừ công ty này trong danh sách nghi ngờ là thủ phạm.
Hôm nay, đào cống lên để làm rõ
Chiều 30-5, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ đào hệ thống cống của Công ty Mauri lên để kiểm tra. Việc đào hệ thống cống sẽ bắt đầu vào hôm nay (31-5), nhằm làm rõ tố cáo của người dân, kiểm tra hệ thống xả thải của Công ty Mauri đúng hay sai so với quy định. Đây cũng là động thái sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo nhanh chóng làm rõ, xử lý tình trạng ô nhiễm tại khu vực La Ngà, đặc biệt quan tâm đến những tố cáo của người dân.
Lịch sử "bầy hầy" của Mauri
Theo hồ sơ, nhà máy của Công ty Mauri đóng tại La Ngà bắt đầu hoạt động vào năm 2000. Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, cơ sở này liên tục bị người dân khiếu nại vì gây ô nhiễm. Thực tế, Công ty Mauri đã nhiều lần bị Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an và chính quyền địa phương xử phạt đối với các hành vi vi phạm về thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt đã có hành vi chôn lấp gần 40 khối chất thải chưa qua xử lý trong khuôn viên.
Bình luận (0)