Ông Nguyễn Anh Dũng (59 tuổi; ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) được ví là "ông vua" lúa giống miền Tây vì đã nghiên cứu và lai tạo thành công nhiều loại giống chất lượng cao.
"Cha đẻ" gạo Ngọc đỏ hương dứa
Năm 2000, ông Dũng xuất ngũ về quê và được ba mẹ chia cho 6,5 công đất. Nhiều năm sản xuất lúa theo kiểu truyền thống, ông nhận thấy không mang lại lợi nhuận cao. Thế là ông Dũng đi khắp nơi học hỏi, tham dự các lớp tập huấn ngắn hạn về cách trồng lúa, phòng trừ sâu bệnh do Viện Lúa ĐBSCL và Trường ĐH Cần Thơ tổ chức.
Ông Nguyễn Anh Dũng thăm lúa
Từ những kiến thức đã học, ông Dũng mạnh dạn cải tạo 6,5 công đất lúa theo phương thức canh tác mới nhằm lai tạo ra giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Năm 2006, ông Dũng bắt đầu lai tạo giống. Đến năm 2009, giống LD2008 được đưa ra sản xuất thử, hạt gạo đẹp nhưng bị đục nên phải bỏ. Không nản lòng, ở lần thử thứ hai, ông cẩn thận chọn thật kỹ. Mãi đến vụ thu đông năm 2012, ông mới cho ra đời giống lúa tên LD2012 có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 88-92 ngày), chống chịu rầy nâu và đạo ôn rất tốt.
Ông Chung Văn Liệu sở hữu 4,2 ha đất ruộng và trở thành nông dân sản xuất giỏi
Trong quá trình theo dõi đánh giá đồng ruộng, ông Dũng phát hiện trên ruộng xuất hiện một bụi lúa có hình dạng khác, hạt dài, cây cao hơn giống LD2012 10 cm. Thấy cá thể lạ, ông mang về tiếp tục trồng thử vụ thu đông năm 2012. Loại lúa này có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày, mùi thơm nhẹ, gạo màu đỏ nên ông đặt tên Ngọc đỏ hương dứa.
Đến vụ thu đông năm 2014, ông trồng thử 1 ha, xay gạo dùng thử 40 kg, khi nấu cơm thấy mùi thơm đặc biệt. Ông quyết định xay toàn bộ số lúa thu hoạch còn lại được cỡ 4 tấn mang tặng mọi người, gửi đại lý gạo ở TP HCM... Mọi người dùng thử và hết lời khen ngợi.
Giờ đây, sản phẩm gạo của ông Dũng đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Sau thành công của giống Ngọc đỏ hương dứa, ông tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất. Ông Dũng cho biết sẽ còn nghiên cứu lai tạo ra các giống lúa mới, cải tiến sản xuất theo hướng sạch, an toàn.
Ông Lê Minh Hùng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, nhận xét: "Anh Dũng đã có nhiều đóng góp trong việc tìm tòi ra các loại giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo của tỉnh Đồng Tháp. Anh là một trong những hình tượng rất đáng ghi nhận trong phong trào lao động, sáng tạo".
"Giống lúa của tôi độc quyền bởi không thể sản xuất ở vùng đất khác do nghiên cứu áp dụng trên thổ nhưỡng ở huyện Lấp Vò" - ông Dũng nói.
Năm 2012, ông Dũng vận động nhiều nông dân hợp tác thành lập HTX Giống nông nghiệp Định An do ông làm giám đốc với mong muốn mở rộng diện tích trồng lúa giống, liên kết tiêu thụ nông sản. Hiện mô hình HTX Giống nông nghiệp Định An đã phát triển 26 công đất lúa tại xã Bình Thành, huyện Lấp Vò.
Ông Dũng rất tâm huyết xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mẫu của cả nước. Nói về ý tưởng này, ông cho biết đang thực hiện mô hình "Trải nghiệm nông dân" với nhiều hoạt động thú vị khi du khách được trồng lúa, câu cá, bơi xuồng, tự tay xay gạo và nấu những món ăn mà mình yêu thích. Ông nói: "Mô hình của tôi dành một khu riêng cho nông dân học tập kinh nghiệm, cho học sinh cấp 3 trải nghiệm, sinh viên thực tập... hoàn toàn miễn phí".
Nhờ ý chí thoát nghèo
Với 4,2 ha đất ruộng phía sau nhà, canh tác 3 vụ lúa/năm, ông Chung Văn Liệu (46 tuổi; ngụ ấp 5, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng từ sản xuất lúa giống chất lượng cao.
Ông Liệu quê ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Năm 1990, do cuộc sống quá khó khăn, ông rời quê nhà đến xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười làm thuê kiếm sống. Rồi ông lập gia đình, ngày ngày làm thuê, tích cóp vốn liếng dần dần mua được 4,2 ha đất ruộng. Nhờ chí thú làm ăn và áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học vào đồng ruộng nên năm nào gia đình ông cũng gặt hái thành công trong sản xuất lúa giống. Mỗi năm, vợ chồng ông đều có dư dả, mua sắm thêm phương tiện máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Vụ đông xuân 2018, ông Liệu canh tác 4,2 ha lúa giống OM 5451 cấp nguyên chủng. Sau hơn 3 tháng chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, ông thu hoạch được hơn 33,6 tấn lúa giống cấp xác nhận I, được Công ty CP Giống cây trồng Đồng Tháp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 5.900 đồng/kg, ông thu nhập gần 200 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, ông còn lãi trên 110 triệu đồng.
Ông Liệu vui vẻ cho biết làm nghề gì cũng phải chuyên cần mới giàu được. Sống ở vùng Đồng Tháp Mười đất đai rộng như vậy mà canh tác lúa còn manh mún, sản xuất lạc hậu nên người nông dân gặp không ít khó khăn. Vì vậy, vấn đề chủ yếu là phải tích tụ được ruộng đất đủ lớn để áp dụng đồng bộ các khâu từ việc chọn cùng một loại giống lúa nguyên chủng, có năng suất và chất lượng cao để canh tác, sản xuất ra lúa giống xác nhận cấp I. Nếu chỉ canh tác vài công lúa thì không bao giờ thoát nghèo chứ nói gì làm giàu!
Sau những tháng năm miệt mài lao động cật lực và biết tính toán làm ăn, chi tiêu tiết kiệm nên cuộc sống của gia đình ông Liệu ngày càng khấm khá. Con gái đầu lòng đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc tại Văn phòng Công ty Nhiệt điện Sông Hậu 1. Người con trai út học Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.
Cần cù lao động, biết tiết kiệm, luôn tìm tòi, học hỏi, đam mê sáng tạo và áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; biết tổ chức liên kết và tiêu thụ nông sản ổn định... là con đường làm giàu chính đáng và trở thành nông dân giỏi của ông Liệu.
Kỳ tới: Tỉ phú ở vùng đất nhiễm phèn
Bình luận (0)