Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 10-12 đã chủ trì Hội nghị "Thủ tướng đối thoại với nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của hơn 600 đại biểu của các bộ, ngành trung ương và đại diện nông dân cả nước.
Nông dân than thiếu vốn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nhà nước rất quan tâm đến nông dân nhưng bản thân người nông dân phải tự đổi mới. "HTX phải liên kết để chiến đấu trên thị trường; người nông dân phải tự đổi mới trong tình hình đất nước, thị trường thay đổi. Tính chủ động của bà con rất quan trọng, phải chủ động hơn nữa, người nông dân phải tự tái cơ cấu ở từng nơi, từng xã" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nông dân Nguyễn Hùng Thắng (tỉnh Đồng Tháp) nêu thắc mắc: "Những dự án công nghệ 4.0, sau này là 5.0, với những người không chuyên như tôi nếu có phát minh hay có sáng kiến thì vẫn được sự hỗ trợ từ nhà nước để hoàn thiện dự án? Cơ chế hỗ trợ cho những người làm sáng chế là gì?".
Cũng theo ông Thắng, nếu nhà nước có hỗ trợ thì cần nhanh và có mốc thời gian nhất định để những nông dân đam mê sáng chế như ông đàm phán với các đối tác khác phát triển sản phẩm. "Nếu không có thời gian rõ ràng, cứ hẹn mãi thì chúng tôi không có cơ sở để đàm phán" - ông Thắng trình bày.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng nông sản tại hội nghị
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng khởi nghiệp sáng tạo là một lĩnh vực Thủ tướng rất quan tâm, chỉ đạo sát sao. Vừa rồi đã có nghị quyết về doanh nghiệp, chính quyền cũng hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. "Hiện nay, toàn bộ điều kiện môi trường cho khởi nghiệp sáng tạo đã có chính sách. Khởi nghiệp sáng tạo ngoài vốn còn có nhà tư vấn, chuyên gia hỗ trợ, sau đó là nhà đầu tư, để các dự án khởi nghiệp thành công" - ông Chu Ngọc Anh khẳng định.
Trong khi đó, nông dân Nguyễn Hữu Hà (tỉnh Hưng Yên) băn khoăn: "Thực tế, tôi thấy phong trào sản xuất nông nghiệp 4.0 đang rất phát triển và được nông dân hưởng ứng. Tuy nhiên, làm nông nghiệp 4.0 đòi hỏi vốn lớn nhưng dòng vốn đổ vào nông nghiệp còn rất thấp. Các chính sách tín dụng trong nông nghiệp ban hành nhiều nhưng nông dân làm nông nghiệp 4.0 vẫn khó tiếp cận được. Vậy Chính phủ có giải pháp hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt là nông dân làm nông nghiệp 4.0 về nguồn vốn?".
Nói về nguồn vốn cấp cho nông dân, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết vào cuối năm 2016, Thủ tướng giao cho ngành ngân hàng 50.000 tỉ đồng để tập trung cho vay tín dụng công nghệ cao. Ngày 7-3-2017, Chính phủ đã có chỉ đạo về việc này, sau đó ngành ngân hàng có văn bản triển khai chủ trương trên và cam kết có 100.000 tỉ đồng. "Gói này có lãi suất thấp so với lãi suất cho vay thông thường, kể cả ngắn và trung - dài hạn, từ 1%-1,5%. Đến nay, đã có 17.000 khách hàng vay vốn liên quan ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 90%" - ông Đào Minh Tú nói.
Quy hoạch lại ĐBSCL
Theo nông dân Trương Văn Tạo (tỉnh Trà Vinh), tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) ở ĐBSCL đang diễn biến phức tạp, biểu hiện rõ là xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, nguồn nước cạn kiệt. Cách đây 2 năm, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị về BĐKH và nêu rõ quan điểm chỉ đạo về phát triển ĐBSCL bền vững và thích ứng với BĐKH. Ông Tạo đề nghị Chính phủ cho biết sẽ dành nguồn lực như thế nào cho toàn vùng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới là quy hoạch lại ĐBSCL sao cho không gian hợp lý bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, thích ứng BĐKH. "Dự kiến quý IV/2020, chúng tôi sẽ trình Chính phủ để có quy hoạch tốt nhất cho ĐBSCL. Ngoài ra, ĐBSCL cần có liên kết vùng. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng cơ chế điều phối liên kết vùng này" - ông Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu của hội nghị là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong liên kết 6 nhà, tạo chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh đó là bàn vấn đề khởi nghiệp cho nông dân. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị, các bộ ngành, địa phương phải có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông dân khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, các địa phương, nhất là ngành nông nghiệp, phải hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành, kiểm soát chất lượng để bảo đảm an toàn thực phẩm. Chính phủ sẽ có những chủ trương mạnh mẽ, như liên kết vùng, khu vực.
"Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng nhà nước thực hiện câu nói của Bác: "Nông dân nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh". Và tại đây, chúng ta kêu gọi đất nước ta cần một lớp nông dân đổi mới, không để đất đai manh mún, nhỏ lẻ để phát triển nông nghiệp. Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn, kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường. Đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi nhà nước cứu mình bằng một tinh thần tự lực tự cường sẵn có" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Đầu tư 2 tỉ USD cho ĐBSCL
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sắp tới Chính phủ sẽ chi thêm 2 tỉ USD (tương đương 45.000 tỉ đồng) để đầu tư hạ tầng giao thông ở ĐBSCL. Trong đó, giai đoạn 2021- 2025 sẽ cấp 1 tỉ USD để đầu tư giao thông, hồ chứa nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt bảo đảm an ninh nguồn nước...
Về sạt lở, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung rà soát lại toàn bộ các điểm sạt lở, sau đó sẽ trình Thủ tướng phương án sử dụng ngân sách dự phòng năm 2019 để giải quyết ngay những thiệt hại của người dân cũng như phương án xử lý.
Bình luận (0)