Sáng 21-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến "Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp". Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành; UBND các tỉnh, thành phố; đại diện một số viện, trường, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu.
Chế biến, bảo quản còn yếu kém
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải bàn về vấn đề sao chưa làm tốt cơ giới hóa? Vì sao có địa phương làm tốt, có địa phương chưa làm được? Nhiều chính sách cho lĩnh vực này nhưng chưa tập trung. "Nhà nước cần tập trung vào chính sách được coi là "cú đấm thép" để tháo gỡ vướng mắc, phát triển công nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản tốt hơn nữa" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết 10 năm trở lại đây, công nghiệp, nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, áp dụng trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp chế biến nông sản làm nền để nông nghiệp thay đổi mạnh, từ tự cung tự cấp sang xuất khẩu. Nông sản Việt Nam đã xuất sang hơn 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản của Việt Nam còn nhiều yếu kém. Phần lớn các doanh nghiệp chưa chủ động nguồn cung nguyên liệu để bảo đảm về số lượng, chất lượng. Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới; nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm; tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10%-20%). Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp; cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, trong đó 60% là từ Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, chế biến nông lâm thủy sản cũng như việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp để nâng cao giá trị chế biến là rất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên người lao động trên nông trường của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Ảnh: Quang Hiếu
Cần nguồn vốn vay ưu đãi
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải, cho biết thời gian qua, một số tổ chức "giải cứu" nông sản nhưng việc giải cứu sẽ làm mất đi nhuệ khí, thậm chí mất đi tinh thần tự do của sản xuất kinh tế thị trường. "Nếu làm kinh doanh mà cứ chờ giải cứu thì không phải làm kinh doanh. Nông dân cần phải tham gia vào chuỗi kinh doanh theo cơ chế thị trường để có hướng sản xuất phù hợp hơn" - ông Dương nói.
Bà Thái Hương, nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH - đề nghị nông nghiệp cần có thay đổi về mặt tư duy, đó là sự đột phá, không đi theo lối mòn cũ. Theo bà Hương, chỉ nói về công nghệ là không đủ mà phải là khoa học quản trị, muốn bán được hàng phải có thương hiệu. "Chính phủ cần có chính sách khích lệ cụ thể vào từng sản phẩm cụ thể. Đồng thời, nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia theo thông lệ quốc tế thì chất lượng sản phẩm sẽ được nâng lên, nông nghiệp mới phát triển bền vững".
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), nhìn nhận vùng nguyên liệu quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà máy chế biến. Về cơ giới hóa, ông đề nghị Chính phủ nên giao cho các trường học, các viện; về nghiên cứu ứng dụng, giao cho doanh nghiệp lớn trong nước thực hiện để cung cấp cho các doanh nghiệp làm nông nghiệp. "Chúng ta mua máy của Đức, Mỹ, khi hỏng phải gửi sang sửa hoặc mời chuyên gia sang, rất lâu và tốn kém" - ông Khuê nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản, mong muốn Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét và đánh giá lại để có chính sách "cởi mở" hơn với nông nghiệp. Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, kiến nghị Chính phủ cần có một nghị định riêng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến có liên kết với nông dân để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho cơ giới hóa và thiết bị chế biến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo sau hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng các bộ, ngành sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng chỉ thị về chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030, nghị định về chính sách cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Theo Thủ tướng, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi là rất cần thiết nhưng chế biến sâu càng quan trọng hơn nhằm gia tăng giá trị, tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế tối đa tình trạng "được mùa rớt giá". Bên cạnh đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thị trường nội địa trong thời gian tới, xem đây là ưu tiên hàng đầu để có sản phẩm nông thủy sản chất lượng tốt, bảo đảm sức khỏe. "Bây giờ làm nhỏ lẻ không được, buôn thúng bán mẹt không được, nông sản muốn ra siêu thị lớn phải có vùng nguyên liệu. Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về việc tích tụ đất đai. Đây là vấn đề rất lớn" - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất, do tỉ suất lợi nhuận của nông nghiệp rất thấp.
Gạo thương hiệu khó đến với người dùng
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, có những doanh nghiệp có gạo ngon, truy xuất được nguồn gốc nhưng rất khó vào các kênh phân phối truyền thống (hộ gia đình và hộ kinh doanh cá thể) vì đưa vào đây sẽ bị đội chi phí thêm 5% bởi 2 đối tượng này chưa được đưa vào danh sách kê khai thuế. "Đề nghị Chính phủ, Tổng cục Thuế đưa 2 đối tượng này vào Nghị định 91 để số đông người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với gạo ngon. Đây chính là con đường ngắn nhất để xây dựng thương hiệu gạo" - ông Thòn nêu.
Bình luận (0)