Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), với yêu cầu của người tiêu dùng, việc truy xuất nguồn gốc là điều kiện cần có đối với các sản phẩm khi đưa ra thị trường, đặc biệt là thị trường thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng và then chốt trong truy xuất nguồn gốc chính là vùng trồng, vùng sản xuất được cấp mã số.
12 vùng trồng được cấp mã số
Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác... Việc này giúp nông dân nâng cao nhận thức về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như kịp thời nắm bắt tình hình sinh vật gây hại, triển khai các biện pháp phòng trừ và không vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu. "Quyết đưa nông sản, nhất là các loại cây ăn trái "bay xa", BR-VT đã tiến hành hàng loạt đầu việc để đẩy nhanh cấp mã số vùng và những kết quả đạt được là đáng khích lệ" - lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT nhấn mạnh.
Theo đó, thời gian vừa qua, BR-VT đã tập trung cấp mã số vùng trồng cho các loại cây ăn quả chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, đến nay toàn tỉnh đã có 12 mã vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đã được cấp mã số. Trong đó, các loại trái cây như bưởi, nhãn, chuối… với diện tích trồng lên đến hàng trăm hecta đã được xuất qua các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, EU… Các mã số xuất khẩu này do các cơ sở như HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm (HTX Nhân Tâm), Công ty TNHH Thương mại Nochy, Công ty CP Cao su Thống Nhất, HTX Bưởi da xanh Sông Xoài (HTX Sông Xoài)… sở hữu.
Từ khi được cấp mã số vùng trồng, bưởi da xanh của HTX Sông Xoài đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ...
Ông Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc HTX Sông Xoài (thị xã Phú Mỹ), cho biết HTX có 18 ha diện tích trồng bưởi của 5 hộ với sản lượng khoảng 540 tấn/năm. Để được cấp mã vùng trồng, những năm qua, ông và các hộ trong HTX đã dần chuyển đổi sang trồng bưởi theo hướng hữu cơ, thực hiện ghi chép nhật ký cây trồng, gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký thương hiệu nhãn hiệu... "Sau thời gian hoàn thiện hồ sơ, HTX Bưởi da xanh Sông Xoài đã đủ điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ... Qua đó, đời sống kinh tế của xã viên nâng lên rõ rệt" - ông Kha cho biết.
Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc HTX Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc), cho hay năm 2018, nhờ được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà gần 30 ha nhãn của HTX với hàng trăm tấn mỗi năm dễ dàng xuất qua Trung Quốc với giá cả ổn định. Thừa thắng xông lên, vụ nhãn vừa qua, HTX Nhân Tâm đã hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Tiếp tục mở rộng, tăng cường quản lý
"Phải nói rằng khi chưa được cấp mã số vùng trồng, các sản phẩm của HTX chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch. Đến nay, chúng tôi đã đi được vào những thị trường khó tính, nâng cao khả năng cạnh tranh, thu nhập tăng lên rõ rệt" - ông Hoành phấn khởi. Ông nói việc mở rộng vùng cấp mã số đã tạo điều kiện cho nông sản chủ lực của BR-VT ngày càng có cơ hội bay xa.
Theo Sở NN-PTNT, để có kết quả trên, đầu tiên phải kể đến việc UBND tỉnh BR-VT đã kịp thời, quyết liệt chỉ đạo sở này cùng các ngành liên quan có những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích, phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Theo đó, hàng loạt buổi tập huấn cho nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp được tiến hành. Đặc biệt, UBND tỉnh đã đề nghị Sở Tài chính tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện việc thiết lập và quản lý vùng trồng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và theo phân cấp ngân sách hiện hành; yêu cầu các địa phương bố trí nguồn lực thực hiện, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng.
Không bằng lòng với hiện tại, ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT), cho biết những ngày này, đơn vị đang hỗ trợ thực hiện cấp mã số vùng trồng cho một số loại cây ăn trái chủ lực trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, chi cục vừa đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho 4 vùng trồng bưởi trên địa bàn thị xã Phú Mỹ. Ngoài ra, chi cục đang lập hồ sơ đăng ký cấp 4 mã số vùng trồng thanh long trên địa bàn huyện Xuyên Mộc với tổng diện tích 57 ha; hoàn thiện hồ sơ 6 mã số vùng trồng đối với sầu riêng tại huyện Châu Đức với tổng diện tích 80 ha... Đây đều là những sản phẩm đủ điều kiện an toàn, chứng nhận VietGAP.
Ông Đức thông tin thêm ngoài áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao để đưa nông sản "ra biển lớn", ngành nông nghiệp BR-VT cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói. "Chúng tôi cũng bố trí nhân lực phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý ngăn chặn tình trạng đưa nông sản từ ngoài vùng trồng vào chuỗi sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa xuất khẩu" - ông Đức khẳng định.
Bình luận (0)