Chị Trần Thị Thanh Hoa, Tổ trưởng chi nhánh Bảo dưỡng Nội thất Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO), là một trong những nữ kỹ sư đầu tiên được tuyển vào làm tại A76, tiền thân của VAECO.
Chị Hoa tâm sự từ khi còn ngồi ghế nhà trường, chị đã mong muốn được làm việc trong ngành hàng không. Không như những cô gái khác mơ ước làm tiếp viên, chị Hoa lại chọn con đường trở thành một kỹ sư.
Trước chị, bộ phận kỹ thuật của Vietnam Airlines chưa từng có nữ kỹ sư bởi công việc này vốn mặc định dành cho đàn ông. Ngoài sự vất vả, nó còn đòi hỏi người đảm nhiệm phải dành toàn bộ thời gian và tinh lực của mình để không ngừng học hỏi, nâng cấp chuyên môn. Mà công nghệ hàng không thay đổi từng ngày, lượng kiến thức mới là không thể đong đếm.
Chị Trần Thị Thanh Hoa là nữ kỹ sư đầu tiên của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay
Điểm rất đặc biệt ở sự nghiệp của người phụ nữ mạnh mẽ này là thời điểm chị lấy chứng chỉ kỹ thuật bảo dưỡng máy bay đầu tiên trong sự nghiệp cũng là lúc chị có con đầu lòng.
Ai làm trong nghề cũng biết đạt được chứng chỉ này vô cùng khó khăn. Có cả ngàn câu hỏi chuyên môn được đưa ra. Tài liệu tiếng Việt còn đỡ, những tài liệu tiếng Anh quả là một thử thách không dễ dàng. Đó là vào năm 2009, ba năm sau khi chị Hoa gia nhập Vietnam Airlines. Với chị, chứng chỉ kỹ thuật bảo dưỡng máy bay là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trong nghề nghiệp. Nó cũng là sự khẳng định con đường chị đã chọn dù chông gai nhưng chị đã bước được vững vàng trên đó. Chính vì vậy chị dành rất nhiều tâm huyết để đạt được kết quả tốt nhất.
Nhiều phụ nữ khác sẽ lựa chọn lùi lại vài ba năm nữa khi con đủ lớn rồi lấy chứng chỉ cũng chưa muộn. Nhưng vốn tính cách mạnh mẽ và quyết đoán, chị Hoa vẫn thuyết phục được gia đình rằng dù ôn thi vất vả nhưng chị vẫn có thể chăm sóc bản thân để "mẹ tròn con vuông".
Người phụ nữ đang ở những tháng cuối thai kỳ vừa phải hoàn thành công việc hàng ngày, vừa phải bỏ nhiều giờ đồng hồ nghiên cứu tài liệu. Tài liệu chuyên ngành "khó nhằn" khiến chị Hoa mất rất nhiều thời gian tra cứu. Lâu dần, những thuật ngữ chuyên môn ấy ám ảnh chị cả những lúc ăn cơm cũng như lúc ngủ.
"Nửa đêm giật mình tỉnh giấc, còn lẩm bẩm những từ ngữ khó hiểu, chồng tưởng mình bị trầm cảm vì mang bầu đứa con đầu lòng nhưng thực ra mình đang ám ảnh với kỳ thi."- chị Hoa hồi tưởng
Cuối cùng, sự quyết tâm của chị cũng được đền đáp. Chỉ trong thời gian ngắn chị đón nhận cả hai tin vui là đứa con đầu lòng và tấm bằng chứng chỉ kỹ thuật máy bay đầu tiên trong đời.
Chị Trần Thị Thanh Hoa hiện là Tổ trưởng chi nhánh Bảo dưỡng Nội thất
Đến nay, đã 17 năm gắn bó với công việc kỹ thuật hàng không, chị Hoa tâm sự thật may người chồng làm cùng ngành luôn ủng hộ chuyên tâm phát triển sự nghiệp. Anh nói chị hoàn toàn có thể dồn toàn tâm toàn ý cho công việc mà không cần phải lo lắng việc nhà. Nhưng thiên chức làm vợ, làm mẹ không cho phép chị làm vậy nên chị lại càng phải nỗ lực thêm nữa.
Con đường này là do chị lựa chọn, có khó khăn chị cũng không bỏ cuộc. Chị nỗ lực vì đam mê của mình, để cho mọi người thấy rằng người phụ nữ có thể làm tốt những việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới. Chị nỗ lực còn để cho gia đình tự hào, để con chị sau này nhìn vào thấy được mẹ mình đã mạnh mẽ ra sao. Đó là cách chị dạy con thay cho ngàn lời nói.
Chị nhận ra rằng chính nụ cười, sự hài lòng của khách hàng là sự ghi nhận lớn nhất cho công việc của mình.
Chị Hoa tâm sự trước đây luôn muốn theo đuổi đỉnh cao trong nghề nghiệp, muốn làm được những điều lớn lao, làm chủ được những kỹ thuật cao siêu. Nhưng giờ đây chị nhận ra rằng, chính nụ cười, sự hài lòng của khách hàng là sự ghi nhận lớn nhất cho công việc của mình.
Đôi khi một cải tiến nhỏ hay việc khắc phục sự cố kịp thời của chị đã đem lại trải nghiệm khó quên cho khách hàng. Không cần phải trực tiếp phục vụ nhưng chị vẫn cảm nhận được sợi dây liên hệ với những hành khách trên bầu trời. Chị vui khi thấy khách hàng hài lòng, chị buồn với những phản hồi chưa tốt về kỹ thuật chuyến bay. Những cảm xúc ấy chính là sợi bấc giúp chị duy trì ngọn lửa yêu nghề trong gần 20 năm nay.
Bình luận (0)