Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) cả trên đất liền và biển có tổng diện tích 106.600 ha. Đây là khu dự trữ sinh quyển duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới với 54 loài thực vật quý hiếm, 46 loài động vật quý hiếm. Trong đó có nhiều loài quý có tầm quan trọng quốc tế như: voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc, các dãy san hô kéo dài và là nơi rùa biển hằng năm về đẻ trứng trên một vùng biển rộng lớn.
Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên xác nhận Núi Chúa có giá trị đặc biệt, được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên trái đất. Đại diện điển hình cho các hệ sinh thái biển đặc trưng (hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều) đều tồn tại trong vùng biển Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Một góc khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa bao quanh vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: THÀNH TRUNG
Nơi đây nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của hiệu ứng nước trồi nên có năng suất sinh học cao. Sự kết nối giữa 2 hệ sinh thái quan trọng là rạn san hô và thảm cỏ biển ở khu vực này có ý nghĩa rất lớn về sinh thái và nguồn lợi. Vùng bên ngoài ở độ sâu khoảng 50 m nước về phía Nam hình thành các bãi cá tập trung có trữ lượng tương đối lớn. Bên cạnh đó, hệ sinh thái vùng triều của Vườn Quốc gia Núi Chúa cũng có hệ sinh vật và giá trị đa dạng sinh học tiêu biểu riêng. Vùng biển được bảo tồn tại đây đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các khu bảo tồn biển có tính đa dạng sinh học cao như đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang, đầm Thủy Triều ở phía Bắc với Hòn Cau - Vĩnh Hảo ở phía Nam, do đó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững ở cấp độ vùng.
Một trong những thành công của Vườn Quốc gia Núi Chúa trong phát triển đa dạng sinh học là tăng cường truyền thông quản lý tài nguyên, phát triển sinh kế cho cộng đồng. Xung quanh khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Núi Chúa hiện có 9 thôn đồng bào dân tộc Raglai định cư, với 2.438 hộ. Việc phát triển các mô hình sinh kế bền vững gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa đóng vai trò then chốt. Thực hiện mô hình phát triển kinh tế gắn với nhận khoán bảo vệ rừng, nhiều năm qua, Vườn Quốc gia Núi Chúa đã giao cho 2 cộng đồng người dân tộc Raglai trên địa bàn huyện Ninh Hải (thôn Cầu Gãy, Đá Hang, xã Vĩnh Hải) xây dựng mô hình sinh kế bền vững.
Bình luận (0)