Xã hội thì muôn màu, lòng người cũng muôn nẻo nhưng điều gì cũng không qua được ơn nghĩa sinh thành. Người mẹ trong clip trên chắc đã từng rơi nước mắt khi mang nặng đẻ đau, chắc đã từng đổ mồ hôi nhọc nhằn, nuốt nước mắt để đưa con cái qua những gian nan của cuộc sống. Cuối đời bà chẳng còn nước mắt để chịu đựng những sỉ vả của chính con gái mình. Bà đã qua đời cách đây ít ngày, ngay trong mùa Vu Lan.
Đau xót hơn, những hình ảnh trên được chính người con của người mẹ tàn nhẫn trên ghi lại. Và chúng ta thật khó tưởng tượng sau khi chứng kiến việc làm của mẹ mình, cảm xúc diễn tiến trong tương lai của người con này sẽ ra sao.
Ngược đãi cha mẹ là một trong những tội lỗi nặng nề nhất trong cả xã hội xưa và nay. Thậm chí, trong xã hội trung cổ đã có những hình phạt tàn khốc đối với hành vi ngược đãi cha mẹ nhưng cái ác mang tính ẩn ức này vẫn tồn tại rất khó hiểu. Trong xã hội hiện đại, khi nhu cầu về cuộc sống không còn quá bức thiết để mối quan hệ huyết thống phải cộng sinh thì sự rạn vỡ về mối quan hệ trên càng lớn, nhiều vụ việc ngược đãi cha mẹ đã từng xảy ra.
Quan hệ huyết thống trực tiếp này có mặt trong mỗi cá nhân nhưng đối với xã hội lại khu biệt trong từng nhóm người. Với cá nhân người này là thiêng liêng tối thượng nhưng với người khác không cùng huyết thống lại không có sự tôn kính tương xứng. Bởi vậy khi một vụ việc bất hiếu xảy ra có thể gây rúng động xã hội, rỉ máu đạo nghĩa nhưng tìm cách ngăn chặn hoặc xử lý nghiêm khắc trên bình diện xã hội vô cùng khó. Sự giáo dục thành công ắt những điều đau đớn này đã không xảy ra. Sự khắc chế của pháp luật thật sự hiệu quả ắt hành vi nhẫn tâm này đã không tồn tại.
Nhưng đây chỉ là số ít hoặc chỉ là trường hợp cá biệt. Những tấm lòng hiếu thảo luôn là cội nguồn tình cảm khuyến khích mọi người chân ái với người thân. Từ xưa đã có các tấm gương nhị thập tứ hiếu, kể về những người hiếu thảo trong thiên hạ dù đó là người tiều phu hay là vị vua của một nước. Còn ở ta, sách "Việt Nam sử lược" có chép chuyện vua Tự Đức, suốt 36 năm, cứ ngày lẻ thì ngự triều, ngày chẵn thì đến thăm mẹ là Từ Dũ thái hậu. Những điều mẹ dạy, ông đều ghi cẩn thận vào "Từ Huấn Lục". Có lần do mải mê đi săn bị mưa lụt về trễ vào ngày kỵ của vua cha là Thiệu Trị, thấy mình phạm lỗi nên ông nằm ra, đặt chiếc roi lên mâm son để chờ mẹ trừng phạt.
Trong Nho giáo, hiếu là gốc rễ của lòng nhân. Nhân là cội nguồn của các đức tính. Còn trong cuộc sống đời thường, ta đối xử với cha mẹ thế nào thì con cái sẽ đối xử với chúng ta thế ấy. Chúng ta đừng thất vọng về nó và cũng đừng viển vông nghĩ rằng sẽ có ngoại lệ khi ta bất hiếu. Tình thương của cha mẹ là vô điều kiện. Bấy nhiêu đó đã đủ để mỗi người tự hào và kiên cường trên từng bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải hành trang lớn nhất của mỗi người chính là tình thương vô bờ của cha mẹ hay sao.
Bình luận (0)