Những ngày này, gia đình bà Nguyễn T.K. (ngụ thôn Chính Bình, xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) luôn có người tới lui thăm hỏi khi có đứa cháu gái gọi bà bằng dì bỗng đột ngột trở về sau 25 năm biệt tích. Người cháu gái đó là Nguyễn T.O. (SN 1977), bị lừa bán sang Trung Quốc năm 1994 khi mới 17 tuổi vừa trở về quê nhà hôm 9-11.
Chuyến xe khách định mệnh
Ngồi nhìn đứa cháu gái cứ co dúm người lại rồi tỏ ra hoảng sợ khi có người lạ tới hỏi thăm, nước mắt bà Nguyễn T.K. cứ trào ra, bà không thể ngờ có ngày bà lại được gặp lại đứa cháu đã biệt tích bao nhiêu năm của mình. Bà cho biết cuối buổi chiều ngày 9-11, gia đình nhận được tin báo có người phụ nữ đi trên chuyến xe khách Thắng Thanh từ Quảng Ninh về Thanh Hóa nói bị bán sang Trung Quốc không nhớ đường về nhà, mà chỉ biết quê xã Đông Hòa (Đông Sơn) có mẹ tên là Đ., dì tên là K..
Sau 25 năm lưu lạc, chị Nguyễn T.O. bất ngờ trở về đoàn tụ với người thân ở Thanh Hóa
Khi đứa con trai cho xem ảnh được nhà xe đưa lên Facebook, bà K. nhận ra đó chính xác là đứa cháu đã mất tích suốt bao nhiêu năm nên liền tức tốc thuê xe xuống TP Thanh Hóa để nhận cháu. "Vừa nhìn thấy tôi, nó liền lao tới ôm chầm lấy tôi rồi khóc nức nở: "Dì K., cháu đây. Ngày nhỏ dì thường cho cháu ăn cơm...". Suốt bao năm biệt tích, tôi không ngờ cháu tôi lại trở về quê trong hoàn cảnh này"- bà K. nghẹn lời.
Theo lời bà K., chị O. sinh ra trong gia đình có 5 anh, chị em, mẹ chị O. là bà Nguyễn T.Đ. (chị ruột bà K.) qua đời khi các con đang còn thơ dại. Ông Nguyễn Đ.V., bố chị O., hạn chế về nhận thức nên không thể nuôi được các con, vì thế anh em bên ngoại đã nhận nuôi 3 người con gái, một người con trai đem cho người khác và một người sau này sống lang thang khắp nơi với bố.
Chị O. được một người dì tên là Nguyễn T.C. (lấy chồng xã Đông Văn, huyện Đông Sơn) nhận về nuôi khi mới 9 tuổi. Thế nhưng, tới năm 1994, khi đó chị O. đã 17 tuổi thì bất ngờ mất tích khỏi địa phương. Người thân đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy. "Suốt bao nhiêu năm, chúng tôi cứ tưởng không bao giờ còn được gặp lại nó nữa, ai ngờ giờ gặp cháu trong hoàn cảnh này. Thương và thấy tủi phận cho cuộc đời của cháu tôi quá"- bà K. nói trong nước mắt.
Clip chị Nguyễn T.O. trở về trong vòng tay người thân sau 25 năm bị bán sang Trung Quốc
Những ngày tháng kinh hoàng
Trở về quê đã được một tuần, thế nhưng hễ nhìn thấy người lạ, chị O. vẫn tỏ ra hoảng sợ rồi chạy trốn vào trong nhà, chị chỉ chịu ngồi lại nói chuyện khi có người thân ngồi bên cạnh. Rồi chị kể vào một buổi trưa (được xác định năm 1994) khi chị đang bắt ốc ngoài đồng thì có một người phụ nữ đi xe đạp tới rủ rê chị đi ăn phở, mua quần áo. Sau đó, chị O. đi theo người phụ nữ đó rồi biệt tích đến tận bây giờ.
Chị Nguyễn T.O. vẫn ám ảnh những năm tháng sống khổ cực ở xứ người
"Lúc đi theo, tôi được người phụ nữ đó cho uống nước rồi sau đó tôi không nhớ gì cả. Mấy ngày sau, tôi tỉnh táo thì biết mình đang ở Trung Quốc và được bán làm vợ cho một người đàn ông địa phương. Do không biết ngôn ngữ, lại sống ở vùng miền núi heo hút, bị quản thúc không thể trốn được nên tôi đã ở lại sống với người đàn ông đó và sinh được 2 đứa con gái hiện đã 22 và 11 tuổi"- chị O. kể.
Cũng theo người phụ nữ này, cuộc sống làm vợ "chui" cho người đàn ông Trung Quốc vô cùng khổ cực, chị thường xuyên bị họ ngược đãi, đánh đập nên lúc nào cũng mong ngóng tìm cách trở về quê nhà. Cách đây mấy năm, người chồng của chị qua đời, chị bị người thân của chồng đuổi cả 3 mẹ con ra khỏi nhà. Không có nơi nương tựa, nhà cửa không có, 3 mẹ con chị dìu dắt nhau lên núi dựng một căn nhà tạm để ở.
Cách đây khoảng 2 tháng, trong một lần xuống chợ mua rau, nghe thấy chị nói tiếng Việt Nam, cảnh sát Trung Quốc đã bắt chị đưa vào trại tập trung nhốt hơn 1 tháng. Từ ngày đó, chị cũng mất liên lạc với 2 con, cũng không biết các con ở đâu.
Bà Nguyễn T.K. - di ruột của chị O. rất lo lắng khi cháu trở về bởi hộ khẩu, hộ tịch không còn, cuộc sống phía trước nhiều gian nan
Bị nhốt hơn 1 tháng, ngày 9-11, chị và hàng trăm người khác ở trong trại được cảnh sát Trung Quốc đưa lên xe chở ra khu vực biên giới rồi đẩy về nước. Qua biên giới, tư trang của chị đã bị cướp hết. Thậm chí, khi lên xe trên người chị chỉ còn bộ quần áo, những người trên chuyến xe khách Thắng Thanh thấy thương quá đã lấy quần áo cho mặc rồi cùng nhau quyên góp, ủng hộ cho chị được hơn 1 triệu đồng.
Sẽ tạo điều kiện tốt nhất
Trở về địa phương được đoàn tụ cùng gia đình, khi được hỏi để các con bên đó chị có nhớ, có muốn quay lại Trung Quốc không, người phụ nữ này oà khóc nức nở rồi cho biết rất nhớ các con nhưng không muốn quay lại bên đó vì sợ cuộc sống khổ cực, bị đánh đập, ngược đãi.
"Giờ cháu tôi đã trở về, tôi rất vui nhưng cũng rất lo lắng, vì hoàn cảnh của nó quá éo le, nhà cửa không còn, bố thì đi lang thang, hộ khẩu, hộ tịch không có. Còn tôi cũng không thể nuôi cháu mãi được, vì còn chồng tôi, các con tôi nữa. Chúng tôi mong chính quyền tạo điều kiện khôi phục lại hộ khẩu, hộ tịch để cháu tôi có danh phận"- bà K. mong muốn.
Ông Doãn Huy Thành, Trưởng Công an xã Đông Hòa, cho biết địa phương đã báo cáo sự việc tới Công an huyện Đông Sơn để có hướng giải quyết. "Chị O. đúng là người ở địa phương mất tích 25 năm trước. Hiện hộ khẩu, hộ tịch của chị O. đã bị xóa khỏi địa phương, vì thế chúng tôi đã báo cáo công an huyện xem xét sớm khôi phục lại hộ khẩu, hộ tịch để chị ấy sớm ổn định cuộc sống, được hưởng các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước"- ông Thành nói.
Bình luận (0)