Nhà bà Trần Thị Sang (65 tuổi) nằm ngay đường Nguyễn Thị Búp (quận 12, TP HCM) nhưng việc tiếp cận nước sinh hoạt lại chẳng dễ dàng gì do nhà bà cách xa hệ thống đấu nối, muốn có nước sạch qua đồng hồ nước phải tốn gần 25 triệu đồng chi phí lắp đặt. Đây là số tiền vượt tầm tay của gia đình bà.
Chi phí cao, vướng thủ tục
Còn tại huyện Bình Chánh, tỉ lệ người dân sử dụng nước ngầm tập trung nhiều tại xã Vĩnh Lộc B và xã Đa Phước. Khảo sát ngẫu nhiên 10 hộ dân ở đường Đê Bao 2-3, xã Vĩnh Lộc B, chúng tôi ghi nhận tất cả đều sử dụng nước giếng khoan. "Xung quanh đây có nhiều kênh bị ô nhiễm; nhiều cơ sở nhuộm vải, chế biến sản phẩm nông nghiệp thải nước bẩn. Biết sử dụng nước ngầm rất nguy hiểm nhưng chi phí lắp đặt hệ thống nước rất cao và phải bảo đảm các thủ tục về hồ sơ nhà đất nên không còn cách nào" - anh Nguyễn Thanh An (28 tuổi) bày tỏ.
Các con hẻm nằm tại Quốc lộ 50 (xã Đa Phước) cũng có cảnh tương tự. Chị Lê Thị Kính (42 tuổi) cho biết nhiều năm nay được chính quyền cảnh báo về việc nước ngầm bị nhiễm thạch tín, chì và các độc tố khác nhưng do nơi đây các con hẻm nhỏ cách xa hệ thống đấu nối, muốn có nước sinh hoạt phải bỏ chi phí hàng chục triệu đồng nên đành chịu.
Không có nước sạch, bà Sang (ngụ đường Nguyễn Thị Búp, quận 12, TP HCM) phải sử dụng nước mưa và nước giếng khoan trong sinh hoạt hằng ngày
Thiếu nước sạch cũng đang diễn ra tại khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), khu tái định cư Tân Tạo (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh), khu dân cư Tân Tạo (quận Bình Tân), một số hộ dân tại hẻm 581/76 Trường Chinh (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú)…
Không quen dùng, ngại tốn kém
Trong khi đó, theo báo cáo từ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), đơn vị đã dùng nhiều giải pháp để giúp hơn 2,3 triệu hộ dân đạt điều kiện tiếp cận hệ thống nước máy, đạt kết quả 100%. Trong số hộ dân đã được Tổng Công ty gắn đồng hồ nước, có hơn 251.000 đồng hồ không sử dụng nước hoặc sử dụng rất ít, chiếm tỉ lệ 17% trong tổng số hộ được trang bị đồng hồ nước. Những địa bàn có tỉ lệ số hộ không dùng nước lần lượt là: huyện Hóc Môn gần 41.000 hộ, quận 12 hơn 21.000 hộ, quận Gò Vấp gần 26.000 hộ, quận Bình Tân hơn 20.500 hộ…
Riêng địa bàn huyện Củ Chi, tỉ lệ này cao nhất TP, 28% tổng số đồng hồ đã lắp đặt không được sử dụng; 45% số hộ dân sử dụng nước sạch dưới 5 m3/hộ/tháng…
Ông Lê Thành Đạt (ngụ tại đường Nguyễn Thị Lăng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) cho biết không sử dụng nước máy vì quen dùng nước giếng. Hơn nữa, gia đình còn có mảnh vườn nhỏ để tưới rau, nếu dùng nước máy thì tốn kém. "Dân ở đây phần lớn là nông dân, có thói quen dùng nước giếng. Nước máy có mùi hóa chất xử lý, chúng tôi không quen. Hơn nữa, nhà nào cũng vườn tược, chăn nuôi, dùng nước máy tưới cây, tắm vật nuôi, bao nhiêu tiền cho đủ" - ông Đạt phân trần.
Nói về tình hình thiếu nước sạch ở một số xã trên địa bàn huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh, cho biết huyện Bình Chánh có diện tích rộng, dân cư phân tán. Dù hằng năm, công ty cấp nước đầu tư mạng lưới, lắp đặt các tuyến ống đưa nước đến nhà dân nhưng khu dân cư mới hình thành nhiều gây thách thức lớn, chỉ tính từ năm 2019 đến năm 2020, số hộ dân đã tăng 27.000 hộ.
Báo cáo mới nhất từ UBND huyện Bình Chánh cũng thừa nhận tiến độ thực hiện các dự án phát triển mạng lưới cấp nước và lắp đặt đồng hồ nước trong thời gian qua rất chậm, công việc thực hiện chỉ đạt 43% kế hoạch đề ra. Tỉ lệ lắp đặt đồng hồ đến nhà dân vẫn còn khiêm tốn. Riêng khu dân cư nằm xung quanh trục đường Nguyễn Văn Linh (xã Bình Hưng, Phong Phú, An Phú Tây...) có đến hơn 18.000 hộ dân sử dụng nước bằng giải pháp câu nhờ, đồng hồ tổng và thiết bị lọc nước hộ gia đình và 16.000 hộ dân dùng bồn công cộng. Trong khi đó, có những nơi nước sạch không ai sử dụng, đơn cử tại xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, có hơn 1.700 đồng hồ nước lắp xong không dùng.
Tại huyện Củ Chi, mật độ dân cư thưa, không tập trung nên việc đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước chưa triển khai trong giai đoạn này vì kinh phí cao. Để bao phủ mạng lưới cho 21% hộ dân còn lại, chi phí hơn 2,375 tỉ đồng, bình quân mỗi hộ dân cần đến 85 triệu đồng tiền lắp đặt. Trước mắt, chỉ phù hợp giải pháp tạm là trang bị bồn, đồng hồ tổng. Tuy nhiên, người dân có thói quen sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt hằng ngày nên dù có lắp đặt cũng không dùng đến.
Giải pháp nào?
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, đặt mục tiêu trong năm 2021 giảm 75% lượng khai thác nước ngầm ở các khu vực đã có mạng lưới cấp nước. Phối hợp các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 8 dự án còn dở dang. Đánh giá lại nhu cầu, hiệu quả trong việc sử dụng các bồn nước tập trung để thu hồi chuyển đến nơi cần thiết. Với khu tái định cư Tân Tạo, khu dân cư Trung Sơn, phải xử lý sự chậm trễ của chủ đầu tư; đồng thời thực hiện đầu tư nâng cấp lại mạng lưới.
SAWACO thừa nhận số lượng hộ dân lắp đặt đồng hồ nước không được sử dụng vẫn ở mức cao, gây lãng phí lớn. Giải pháp đơn vị đưa ra chính là phát tờ rơi, khuyến khích khách hàng sử dụng nước máy, hạn chế sử dụng nước ngầm. Trong đó, huy động sự tham gia tuyên truyền của các ban, ngành, đoàn thể, với nhiều hình thức phong phú, trực quan, sinh động để thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Tăng cường vận động người dân sử dụng nước máy theo lộ trình đọc số, thu tiền để có cơ sở yêu cầu khách hàng cam kết sử dụng khi gắn mới đồng hồ nước, nếu không sử dụng đơn vị cấp nước sẽ thu hồi đồng hồ nước và sẽ thu phí tái lập danh bộ khi khách hàng có nhu cầu sử dụng lại nước máy.
Trường hợp không tiếp cận được đồng hồ nước nhiều kỳ do nhà đóng cửa, vắng chủ nhà, đơn vị cấp nước sẽ thực hiện đặt hộp bảo vệ, khóa từ ngoài khuôn viên bất động sản để làm cơ sở lập thủ tục hủy danh bộ.
SAWACO cũng sẽ thay thế dần các giải pháp tạm bằng việc phát triển mạng lưới cấp nước. Chỉ duy trì giải pháp tạm tại các khu vực có mặt bằng thuộc các tuyến đường, hẻm chưa thể phát triển mạng thay thế nguồn nước có vị trí phân tán là đường vào bờ bao, bờ ruộng, cách xa mạng lưới cấp nước, khu dân cư thưa thớt, không tập trung và các khu quy hoạch...
Ngành nước cũng kiến nghị tại các điểm cấp nước tập thể (như đồng hồ tổng, bồn chứa), các văn phòng ban nhân dân ấp, địa phương tại các quận, huyện cần bố trí nhân sự quản lý chặt chẽ nhằm tránh lãng phí nguồn nước cung cấp cũng như việc thanh toán chi phí sử dụng…
Năm 2025, chấm dứt khai thác nước ngầm
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, vừa ký quyết định phê duyệt đề án phát triển hệ thống cấp nước TP và chấm dứt khai thác nước ngầm. Theo đó, việc cung cấp nước sạch tại TP đang đối mặt với những thách thức: vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội dọc theo lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Thiếu khả năng dự phòng để ứng phó với diễn biến bất ngờ của nguồn nước thô... Giải pháp trước mắt là di dời dần điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; kết hợp với việc xây dựng các hồ hoặc cụm hồ dự trữ nước thô, gia tăng an ninh, an toàn nguồn nước.
Đối với nước ngầm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Tại khu chế xuất - công nghiệp và hộ gia đình vận động ngưng khai thác và đến năm 2025 phải chấm dứt.
Lãng phí
Mặc dù khách hàng không sử dụng nước, đơn vị cấp nước vẫn phải tốn chi phí thực hiện các nghiệp vụ như đọc số, in và phát hành hóa đơn, sửa chữa rò rỉ mạng lưới... Ngoài ra, vì không sử dụng nước máy nên các hộ dân không quan tâm đến đồng hồ nước khiến đồng hồ nước thường xuyên bị đứt chì, hư; bị ngưng, lỗi kỹ thuật, đơn vị cấp nước phải thay miễn phí. Mặt khác, theo quy định, khi gắn mới đồng hồ nước sẽ được lắp miễn phí bộ ống nhánh và đồng hồ nước phải được thay định kỳ 5 năm/lần cũng gây rất nhiều lãng phí .
Bình luận (0)