Thôn Long Thạnh Tây thuộc xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam còn được biết đến với tên gọi ốc đảo Cồn Si. Tuy chỉ cách đất liền chưa đầy 1 km nhưng nơi đây như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi dòng Trường Giang và tứ bề là nước nơi cửa biển. Ai đến Cồn Si sẽ cảm nhận một làng quê còn nhiều hoang sơ với cảnh đẹp nao lòng, không khí trong lành, mát mẻ.
Ốc đảo Long Thạnh Tây chỉ cách đất liền khoảng 1 km
Trái ngược với vẻ đẹp, vẻ yên bình đó, đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Nằm ngay cửa biển, nguồn nước ngọt hết sức khan hiếm nên bao đời nay, hàng trăm hộ dân Cồn Si phải sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm phèn và chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là vào mùa nắng nóng. Để có nước sạch, người dân phải chèo ghe qua các xã khác mua hoặc đi lấy từng gàu nước đã nhiễm phèn ở 2 giếng trung tâm thôn về xử lý để dùng.
Đời sống người dân Cồn Si rất khó khăn do tách biệt với bên ngoài
Đầu năm 2023, UBND huyện Núi Thành đầu tư dự án đưa nước sạch về thôn Long Thạnh Tây và xã đảo Tam Hải. Dù đường ống nước đã được đưa đến từng nhà dân nhưng nhiều tháng nay bỏ không, vì địa phương cho rằng Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam áp giá không hợp lý.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho hay dù nhà nước bỏ tiền đầu tư đường ống rồi bàn giao lại cho Công ty CP Cấp thoát nước nước Quảng Nam quản lý, vận hành nhưng công ty không chịu nhận. Thay vào đó, doanh nghiệp yêu cầu UBND xã đứng ra hợp đồng mua nước rồi phân phối về cho người dân. Điều này khiến mức giá người dân phải trả cao hơn nhiều.
"Nếu như công ty cấp nước theo đồng hồ cho từng hộ dân thì người dân chỉ trả mức giá bậc 1 là gần 8.000 đồng/khối nước. Bây giờ công ty yêu cầu xã đứng ra mua, lắp đồng hồ tổng rồi phân phối cho người dân. Theo cách tính này thì phải áp vào bậc 4 với mức giá 12.000 đồng/khối nước. Đó là chưa kể xã phải tính chi phí vận hành, hao hụt thì người dân phải trả với mức giá cao hơn con số đó" – ông Hùng cho biết.
Nguồn nước sạch đã được đưa về thôn Long Thạnh Tây nhưng niềm vui của người dân mới được một nửa
Theo ông Hùng, trước sự bức thiết về nhu cầu nước sạch, cuối tuần qua, UBND xã đành phải đứng ra ký hợp đồng cấp nước cho các hộ dân ở thôn Long Thạnh Tây, riêng các thôn khác trên địa bàn xã thì chưa đóng nước vì người dân không chấp nhận mua với giá quá cao. "Bao đời nay người dân Long Thạnh Tây trông chờ nguồn nước sạch, nay đã có nước sạch dùng nhưng niềm vui chưa trọn vẹn" – ông Hùng chia sẻ.
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành tỏ ra bức xúc về cách tính giá nước của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam. "Công ty này kinh doanh rất thiếu tình người. Dân ở xã đảo đã nghèo khó rồi mà phải chịu mua nước với giá quá cao, trong khi đó hạ tầng đường ống nước huyện đã bỏ tiền ra đầu tư 100%, doanh nghiệp không phải tốn tiền" – ông Sinh nói và cho biết sẽ kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp can thiệp.
Người dân Long Thạnh Tây phải đi lại bằng đò máy cá nhân của gia đình mình, thương nhất là các em học sinh đi lại trong mùa mưa bão tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn
Về việc người dân thôn Long Thạnh Tây phản ánh không có phà qua lại nguy hiểm, ông Lê Văn Sinh cho biết UBND huyện đã giao xã Tam Hải làm chủ đầu tư, tiến hành mua thuyền máy để phục vụ người dân đi lại an toàn. Ông Sinh cũng cho biết việc di dời toàn bộ ốc đảo Cồn Si vào đất liền mới chỉ là ý tưởng, đến nay chưa có nhà đầu tư triển khai dự án.
Bất cập vì mất quyền chi phối công ty cấp thoát nước
Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam trước đây do nhà nước quản lý. Đến cuối năm 2016, Tỉnh ủy Quảng Nam đã thoái toàn bộ 51% cổ phần. Từ năm 2017, Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp công ty cổ phần, không có vốn nhà nước. Sau khi thoái vốn, nhận thấy nhiều bất cập có khả năng làm ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước, tỉnh Quảng Nam đang lên phương án khôi phục lại cổ phần vốn nhà nước đã thoái vốn tại công ty.
Bình luận (0)