Đường hư hỏng chưa bao giờ là chuyện nhỏ, huống gì đây là quốc lộ, nơi hằng ngày có hàng vạn lượt phương tiện lưu thông. 5.200 "ổ gà" cũng đồng nghĩa bấy nhiêu nguy cơ tai nạn mà thực tế đã có người thiệt mạng trên đoạn đường này. Con đường nát như tương này chẳng phải khuất lấp ở vùng heo hút nào mà các cơ quan chức năng, các ban quản lý đường bộ không thấy. Nó bày ra giữa thanh thiên bạch nhật và là con đường huyết mạch của quốc gia nhưng vẫn bị phớt lờ mặc cho người dân mạo hiểm tính mạng hằng ngày. Chỉ có sự vô cảm, lảng tránh trách nhiệm và tệ hơn là sự bưng bít cho nhau mới giải thích được việc này.
Người dân đóng tiền cho quỹ bảo trì đường bộ rất lớn và quỹ này thu không sót đồng nào. Chỉ có điều việc sử dụng và minh bạch nguồn quỹ này người dân không được theo dõi rõ ràng. Có biết chăng chỉ là tổng số tiền khổng lồ bỏ ra làm đường còn về chất lượng duy tu, bảo dưỡng thì hầu như chỉ có các cơ quan chức năng biết với nhau.
Đường làm cả ngàn tỉ đồng mà mới đưa vào sử dụng đã hỏng, sửa tới sửa lui mấy năm chưa xong và nay thời hạn bảo hành còn 1 năm mà đã rách bươm như ruộng cày thì người dân nào chịu đựng được. Đường hư thì phải xem lại kỹ thuật thi công như thế nào, vật liệu có bảo đảm chất lượng không chứ sao cứ biện minh vòng vo né tránh mãi được. Mùa mưa thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan bảo rằng do mưa ngập hư đường. Mùa nắng thì đổ cho quá nóng đùn nhựa. Không mưa, không nắng thì đổ cho phương tiện lưu thông nhiều... Thế thì quốc lộ phải đặt ở đâu cho khỏi mưa, khỏi nắng và ít người lưu thông?
Những lý lẽ bao biện đến mức gây bức xúc trên chưa bao giờ người dân chấp nhận nhưng nó vẫn được đưa vào các biên bản nghiệm thu công trình và dễ dàng thông qua bao nhiêu cấp. Từ đây tiền lại tiếp tục rót ra để sửa chữa đường trong khi quỹ bảo trì ngày càng cạn kiệt.
Trong chuyến thị sát đường này vào ngày 14-12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án nâng cấp Quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên) xác định trách nhiệm của mình. Chỉ 2 ngày sau "trách nhiệm" này đã được Ban Quản lý Thăng Long "làm rõ" khi tạm đình chỉ công tác 7 ngày chỉ huy trưởng công trường sửa chữa đoạn quốc lộ này. Cũng thật khó hiểu, trách nhiệm liên quan đối với đoạn quốc lộ này trên thì có Bộ Giao thông Vận tải, kế đến là Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Cục Quản lý đường bộ III, Ban Quản lý dự án Thăng Long... nhưng vẫn để nó xuống cấp nghiêm trọng và đơn vị thi công viện đủ lý do để phó mặc cho người dân sử dụng.
Làm đường vừa đi đã hỏng, sửa xong lại hỏng tiếp thì tiền nào chi cho thấu, dân nào mà gánh nổi! Những con đường này đã hỏng ngay từ khi lập dự án, chọn nhà thầu chứ không chờ đến khi được đưa vào sử dụng.
Bình luận (0)