"Bệnh nhân Th. kết quả xét nghiệm lần thứ 5 âm tính. Bác sĩ (BS) Vĩnh Tuyên báo cáo Bộ Y tế, công bố hết Covid-19 đối với bệnh nhân này nhưng vẫn điều trị bệnh lý nền nặng nhé". Đó là thông tin vui nhất mà tôi nhận được vào sáng 21-8, từ TS-BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Trung ương Huế. Niềm vui ấy nhanh chóng lan tỏa và trở thành động lực cho đội ngũ y tế túc trực tại Trung tâm Cách ly và Điều trị bệnh nhân Covid-19 (gọi tắt là trung tâm), cơ sở 2 của bệnh viện này đặt tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Ở trung tâm này lúc cao điểm có đến 180 nhân viên y tế làm việc. Tất cả đều ăn ở tập trung. Bước vào trung tâm, hình ảnh đầu tiên là sự hối hả, chăm chỉ và tập trung cao độ cho công việc của nhân viên y tế. Chếch về bên phải là chiếc bàn lớn với nhiều tập hồ sơ, một số BS ngồi đọc, cạnh đó là đội ngũ hành chính làm việc. Phía trên tường, những chiếc tivi lớn chiếu trực tiếp hình ảnh các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nằm điều trị phía trong để các BS theo dõi.
Điều dưỡng tập phục hồi chức năng cho một bệnh nhân đang điều trị Covid-19
Đang ngồi xem bệnh án thì từ bộ đàm, giọng một nữ điều dưỡng thông báo: "Bệnh nhân có triệu chứng khó thở, kính nhờ các bác vào xem giúp". BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Trí gấp nhanh tập bệnh án, lách qua hàng rào "khu vực nguy hiểm" để vào phòng thay đồ. Chỉ nhoáng cái đã thấy anh cùng đồng nghiệp trong trang phục bảo hộ để đến nơi bệnh nhân cần giúp đỡ. Trí là BS trẻ thuộc Khoa Gây mê hồi sức ở Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế của BV Trung ương Huế, được điều động từ TP Huế ra trung tâm này từ ngày 4-8.
BS Trí tâm sự rằng có nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị ở đây đã ra đi vì họ có các bệnh nền rất nặng. "Tôi đã khóc khi có bệnh nhân tử vong, do cảm thấy có lỗi vì không thể nào cứu sống tất cả họ dù đã cố gắng hết mình" - BS Trí nói.
BS Trí kể khi được lãnh đạo BV thông báo lệnh điều động, chiều đó anh rời BV, tranh thủ ghé mua bánh kem về tổ chức sinh nhật cho con gái trước 2 ngày. Con gái 6 tuổi cứ thắc mắc vì sao sinh nhật được tổ chức sớm, vì sao không được ba đưa tới công viên chơi? Anh nói với con rằng: "Ngày mai ba phải xa gia đình, có thể là rất nhiều ngày để cứu người". Mỗi lần hết ca trực, anh gọi điện về gặp con. Cô bé cho ba xem tờ lịch. Những con số trên đó đã được cô bé dùng bút chì vòng lại. Ngày 4, ngày 5, rồi 20-8. "Con đã vòng gần hết ngày trên lịch rồi mà sao ba chưa về" - lúc nào gặp anh trên điện thoại, con gái cũng hỏi vậy.
4 giờ hằng ngày, điều dưỡng Nguyễn Khắc Tuấn cùng một đồng nghiệp trong tổ điều dưỡng hỗ trợ sẽ thức giấc để chuẩn bị cho công việc của mình. Cả 2 đều được điều tới từ bộ phận điều dưỡng của Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế ở BV Trung ương Huế. Họ bắt đầu bằng việc thăm hỏi, chăm sóc, phát cho các bệnh nhân nhẹ kem đánh răng, dầu gội cũng như hỏi nhu cầu của mỗi người.
Rồi họ sẽ qua khu vực bệnh nhân nặng đang hôn mê, có người phải thở máy, người dùng ECMO hay chạy thận... Những bệnh nhân này cần điều dưỡng hỗ trợ gội đầu, thay áo quần, vệ sinh răng miệng, chống loét, hút đàm dãi, theo dõi các chỉ số trên máy móc để kịp thời báo cho BS xử trí.
Trung bình, họ phải mất chừng 30 phút mới chăm sóc xong một bệnh nhân. Công việc thường kết thúc vào lúc 8 giờ và đến 15 giờ sẽ quay lại tiếp tục công việc. Nếu như ca sáng họ tắm cho bệnh nhân bằng dầu khô thì buổi chiều tắm bằng nước ấm.
TS-BS Nguyễn Thanh Xuân cho biết sau mỗi đợt được điều tới đây làm việc, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế phải chấp hành thời gian tối thiểu 14 ngày tự cách ly.
Bình luận (0)