Toàn miền Bắc đang trong đợt nắng nóng cao điểm, nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C. Theo ghi nhận vào đầu giờ chiều 31-5 và 1-6 tại TP Hà Nội, thời tiết quá oi bức đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Song, những người lao động ngoài trời như người bán hàng rong, xe ôm, công nhân xây dựng và những người giao hàng… vẫn phải vật lộn với nắng nóng để mưu sinh.
Làm đêm tránh nắng
Tại thời điểm giữa trưa, nhiệt độ càng tăng cao, nắng gay gắt, có nơi nhiệt độ thực tế lên đến gần 45 độ C. Bất cứ ai ra ngoài cũng tìm mọi cách che chắn, di chuyển thật nhanh trên đường, tìm đến những nơi mát để tránh nóng. Những người đi xe máy, đi bộ, ngồi ở điểm chờ xe buýt... đều trùm áo chống nắng, đeo kính, khẩu trang để "đọ" lại nắng nóng gay gắt. Tại một số con đường, nền nhiệt cao đã xảy ra tình trạng bốc hơi tạo ra ảo ảnh và có nơi mặt đường thậm chí đã chảy nhựa…
Người dân mưu sinh chống chọi với nắng nóng ở Hà Nội Ảnh: NGÔ NHUNG
Còn ở vùng nông thôn, lúa chín vàng khắp cánh đồng ở Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai… thuộc vùng ngoại ô Hà Nội. Mùa gặt đến cũng là lúc Hà Nội bước vào đợt nắng nóng cao điểm, nhiệt độ ngoài trời buổi trưa lên đến hơn 40 độ C. Để tránh nắng mà vẫn bảo đảm thời vụ, nhiều người dân đã chọn cách gặt lúa ban đêm.
Theo ghi nhận vào khoảng 17 giờ ngày 31-5, ánh nắng đã bớt gay gắt, nhiệt độ đã giảm 4-5 độ C so với buổi trưa. Nhiều hộ gia đình ở thôn Thụy Khuê (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) ra đồng bắt tay vào thu hoạch lúa. Hiện nay, người dân ở đây chỉ cần đưa xe kéo và bì đựng đứng chờ trên bờ ruộng của gia đình mình, còn việc gặt lúa đã có máy móc đảm nhận. Nhờ vậy, nỗi vất vả vào ngày mùa của người dân đã giảm đi đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Thụy Khuê, đang thu gom bao tải đựng lúa tại cánh đồng nhà mình, cho biết: "Nắng như thế này tôi bắt đầu ra đồng khoảng từ 16 giờ hoặc 17 giờ chiều. Nhà có khoảng 10 sào ruộng nhưng giờ gặt lúa cũng nhàn hơn vì có máy móc, chỉ có duy nhất cấy là phải dùng sức người thôi. Máy gặt thực sự tiện cho chúng tôi, nó rút ngắn được thời gian làm việc, tăng năng suất và giúp nông dân tránh được phần nào cái oi bức của mùa hè. Nhà tôi thuê máy gặt lúa với giá 170.000 đồng/sào" - bà Hoa chia sẻ.
Thời tiết khắc nghiệt kéo dài
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 31-5, ở khu vực Sơn La, Hòa Bình, trung du và đồng bằng Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C; các nơi khác ở Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày 31-5 phổ biến 40%-60%. Số liệu quan trắc từ các trạm trên cả nước gửi về cho thấy có 10 địa phương xuất hiện nắng nóng 40 độ C trở lên, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Do ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23-26 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ngày 1-6, ở khu vực Sơn La, Hòa Bình, trung du và đồng bằng Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C như: Hòa Bình, Lạc Sơn (Hòa Bình), Láng (Hà Nội), Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Tây Hiếu (Nghệ An), Đô Lương (Nghệ An), Đông Hà (Quảng Trị), Ba Tơ (Quảng Ngãi)…; các nơi khác ở Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày trong đợt nắng nóng này phổ biến 40%-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C là từ 10-19 giờ.
Cơ quan khí tượng cảnh báo đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 5-6. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Đề phòng sốc nhiệt ở TP HCM
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết thời tiết tại TP HCM trong những ngày tới diễn biến phức tạp, người dân đề phòng bị sốc nhiệt. Buổi trưa nhiệt độ đạt trên 34 độ C, nắng gắt. Tuy nhiên, khi chiều tối khả năng xảy ra mưa giông lớn. Sự thay đổi nhiệt độ trong ngày sẽ khiến nhiều người dễ bị sốc nhiệt, đổ bệnh.
Theo ghi nhận, trưa 1-6, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ TP HCM vẫn làm việc cật lực giữa trời trưa nắng nóng. Hàng ngàn lượt xe khách, xe tải... đều được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi đủ điều kiện lưu thông vào nội đô TP HCM. Tại các điểm phong tỏa trên địa bàn TP Thủ Đức, các cán bộ, chiễn sĩ, y tá phải túc trực 24/24 giờ để bảo đảm công tác phòng chống dịch theo quy định. Tại chốt phong tỏa ở con hẻm trên đường số 2, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, lực lượng làm nhiệm vụ phải túc trực tại chốt trong tiết trời nắng gắt khủng khiếp. Một cán bộ Công an phường Hiệp Bình Phước cho hay sau hơn 3 ngày làm nhiệm vụ phong tỏa, người dân đều chấp hành nghiêm.
Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, dịch Covid-19 khiến tình hình kinh doanh, buôn bán ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết tiểu thương ở đây đều đóng quầy bán hàng để đề phòng dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chỉ có nhân viên vệ sinh và người buôn bán dạo vẫn làm việc giữa trời trưa nắng nóng.
L.Phong - S.Hưng
Bình luận (0)