xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Om" chuối, gác cam

HÀ PHONG - ĐỨC NGỌC

Để bán được giá cao, người trồng chuối mật mốc và cam Xã Đoài phải nâng niu, chăm bón từng chút một, thậm chí phải canh trộm ngày đêm

Không phải ngẫu nhiên mà từ đầu tháng chạp, khu vực ngã ba chợ Tân Long (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) - nơi được xem như chợ đầu mối cung cấp chuối mật mốc cho thị trường trong và ngoài nước - đìu hiu đến lạ dù giá thu mua rất cao. Hỏi thăm mới biết để chuối bán được giá cao hơn, người dân không chặt vội mà "om" (tiếng địa phương có nghĩa là để dành) những buồng đẹp nhất đến những ngày cận Tết mới bán.

Ăn Tết lớn nhờ chuối

Anh Hồ Văn Minh (32 tuổi, trú bản Giai, xã Thuận, huyện Hướng Hóa) là một trong hàng ngàn người dân như vậy. Với hơn 3 ha chuối mật mốc, vụ Tết này anh Minh chắc chắn có trong tay ít nhất 20 triệu đồng, đủ để đón cái Tết cổ truyền ấm cúng.

"Năm nào cũng vậy cứ cận Tết là giá chuối mật mốc tăng cao, có buồng lên đến vài triệu đồng. Vì vậy, dù có khi mỗi ký chuối thương lái mua giá từ 6.000 đồng - 15.000 đồng nhưng bà con không chặt vội mà đợi đến sau 23 tháng chạp mới chặt mang đi bán. Chuối mật mốc bán chạy và được giá nhất là vào dịp cận Tết nên ai cũng để dành" - anh Minh phấn khởi nói.

Om chuối, gác cam - Ảnh 1.

Người dân ở huyện Hướng Hóa đánh dấu lên buồng chuối để tránh mất cắp

Ảnh: Hà Phong

Theo ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa, toàn huyện có gần 3.800 ha chuối mật mốc, tập trung ở các xã Tân Long, Thuận, Hướng Lộc, Tân Thành. Ngoài ra, người dân địa phương còn thuê gần 1.000 ha đất ở Lào để trồng chuối.

"Hằng năm, chỉ tính riêng vụ Tết, nhiều gia đình có trong tay từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ việc bán chuối mật mốc. Nhờ cây chuối nên nhiều gia đình thoát nghèo vươn lên khá giả, có cuộc sống đủ đầy" - ông Khả nói.

80.000 đồng/quả cam

Những ngày giáp Tết nguyên đán, chúng tôi tìm về xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nơi nổi tiếng với giống cam Xã Đoài đặc biệt thơm ngon từ hàng trăm năm nay. Hình ảnh của những vườn cam sum suê quả một thời từng được xuất khẩu sang các nước châu Âu nay vắng bóng. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một số ít gia đình còn lưu giữ, trồng giống cam quý này. Dẫn chúng tôi ra thăm khu vườn rộng chừng 10.000 m2 trồng giống cam Xã Đoài, ông Phan Công Hưởng - trú xóm 8, xã Nghi Diên - chỉ tay vào những gốc cam còn rất ít quả, chia sẻ: "Năm nay bị lụt, nước ngập vào vườn nên cam cho quả rất ít. Nay cả vườn chỉ có khoảng 300 quả và cũng có người đặt hàng từ 3-4 tháng trước. Bây giờ mỗi quả cam có giá 80.000 đồng cũng không có mà bán". Quý và hiếm nên sản phẩm cam Xã Đoài cũng rất kén khách. Người mua chủ yếu làm quà trong dịp Tết cho người ở nước ngoài về hay người thân ở phương xa như Hà Nội, TP HCM.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cam Xã Đoài có nguồn gốc từ châu Phi du nhập Việt Nam khoảng 150 năm trước theo chân một giáo sĩ người Pháp. Do phù hợp với thổ nhưỡng nên giống cam cho trái có vỏ mịn, mỏng đều, mùi thơm dịu, ruột vàng óng ánh, vị ngọt thanh. Không chỉ được phong hàng thượng đẳng của các loài cam, cam Xã Đoài còn vinh dự được ghi vào Đại từ điển Pháp, xuất hiện trong thành ngữ nước bạn Lào "Cam Xã Đoài, xoài Thà - Khẹc".

Om chuối, gác cam - Ảnh 2.

Cam Xã Đoài vào dịp Tết nguyên đán giá 80.000 đồng/quả nhưng vẫn không có bán Ảnh: Đức Ngọc

Trước đây, vào những năm 1970-1980, cam Xã Đoài được trồng hàng trăm hecta ở xã Nghi Diên, đem lại giá trị kinh tế lớn cho người dân. Tuy nhiên, theo thời gian, do dân số phát triển, diện tích đất bị thu hẹp, giống cam quý Xã Đoài cũng mai một dần. Bà Nguyễn Thị Lan, trú xã Nghi Diên, ngậm ngùi: "Mấy chục năm trước đây cả làng đều trồng cam, giờ người sinh ra nhiều nhưng đất thì vẫn vậy. Diện tích đất trồng cam trong nhà phải cắt ra dựng nhà cho con hết. Biết là giống cam quý, trồng đem lại giá trị kinh tế cao nhưng không còn đất nên đành chịu".

Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Nghi Diên, tiếc nuối: "Cam Đoài là giống cam quý, giá trị kinh tế cao, trước đây người dân trồng rất nhiều, nay do không có đất, toàn xã chỉ còn lại khoảng 15 ha cam này".

Giống cam Xã Đoài chỉ phù hợp với đất Nghi Diên, Nghi Lộc, nhiều người đã đưa giống cam này đem đi trồng ở một số địa phương khác, cam vẫn cho quả nhưng không giữ được vị thơm ngon như cam trồng trên đất Nghi Diên. 

Canh gác ngày đêm

Để có những buồng chuối mật mốc màu sắc đẹp, trái tròn trịa bán trong dịp cận Tết là điều không dễ. Ngoài việc chăm sóc đúng kỹ thuật còn phải giữ không để kẻ gian chặt trộm. Vì thế, gần Tết là người dân ngày đêm túc trực ở nương rẫy cũng như dùng nhiều cách để bảo vệ chuối.

Ông Mai Chiếm Hữu (45 tuổi, trú thôn Long Hợp, xã Tân Long) có hàng chục ha chuối mật mốc, cho biết để tránh tình trạng mất cắp chuối đặc biệt là trong vụ Tết, ngoài việc túc trực ở rẫy ông còn phải bỏ công đánh dấu cho từng buồng chuối trong vườn.

"Thường từ đầu tháng chạp, mỗi người dân đều dùng sơn màu hoặc vật nhọn quét, khắc chữ cái tên mình lên cuống hay giữa buồng chuối. Việc làm này tựa như xác nhận "chính chủ", để kẻ gian nếu có vào rẫy chuối chặt trộm cũng không biết bán cho ai. Đối với những vườn chuối ở xa, ngoài các biện pháp trên mình phải biết quan hệ với những người dân sống gần đó để họ để ý giùm rẫy của mình" - ông Hữu chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng như vậy, cam Xã Đoài cũng luôn đối mặt tình trạng mất trộm vì sản lượng ít ỏi. Vì vậy, gần Tết, ngày cũng như đêm, người trồng cam ở Nghi Diên đều phải túc trực canh gác để tránh bị hái trộm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo