xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ổn định hình thái sông ngòi miền Tây

Bài và ảnh: CA LINH

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng xói lở tại ĐBSCL là do hoạt động khai thác cát. Vì vậy, việc khai thác bền vững và tìm vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng sẽ giúp ĐBSCL ổn định hình thái sông ngòi

Tại TP Cần Thơ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) vừa phối hợp cùng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội thảo giới thiệu dự án "Khai thác cát bền vững" do 2 đơn vị này thực hiện.

621 điểm sạt lở với tổng chiều dài 610 km

Ông Lê Thanh Chương, đại diện Bộ NN-PTNT, cho biết theo một nghiên cứu của quốc tế, có 6 nguyên nhân gây xói lở bờ sông và bờ biển tại ĐBSCL, gồm: Dòng chảy trên đồng bằng; địa chất ven biển mềm yếu; hồ chứa thượng lưu; khai thác cát; xây dựng hạ tầng ven sông và giao thông thủy. Trong đó, khai thác cát có mức độ rất quan trọng gây ra vấn đề xói lở cho đồng bằng.

Ông Chương dẫn chứng: "Một nghiên cứu quốc tế cho thấy lượng cát khai thác trên lưu vực sông Mê Kông là khoảng 50 triệu tấn/năm, trong đó Việt Nam khai thác khoảng 12,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, theo một số tài liệu mà chúng tôi thu thập được, có 65 giấy phép được cấp hằng năm tại các địa phương ĐBSCL với lượng khai thác cát từ 22,5 đến 28 triệu tấn/năm - gấp đôi con số mà quốc tế công bố. Khối lượng phù sa về ĐBSCL hiện tại chỉ còn khoảng 25%-35% so với những năm trước 1990 và tương lai sẽ thấp hơn 10%".

Theo WWF Việt Nam, ngân hàng cát (là khoảng chênh lệch giữa khối lượng cát sông được vận chuyển về từ thượng nguồn với lượng cát khai thác trên toàn đồng bằng, cũng như lượng cát đổ ra biển) của ĐBSCL cho thấy hằng năm, lượng trầm tích bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn vì khai thác cát và bị giữ lại do các nhà máy thủy điện được xây dựng. Cát được khai thác trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: xói mòn các nhánh sông, xói lở bờ tiếp tục gia tăng, ĐBSCL thay đổi hình dạng.

Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy tính đến tháng 12-2021, ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài 610 km. Trong đó, 147 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 127 km nằm tại An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nhận định thời gian qua, tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển có xu thế gia tăng, đe dọa tài sản, tính mạng của người dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sinh thái ĐBSCL. Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn để ĐBSCL khắc phục sạt lở trên 13.000 tỉ đồng.

Ổn định hình thái sông ngòi miền Tây - Ảnh 1.

ĐBSCL có trên 600 điểm sạt lở, ảnh hưởng đến tài sản và đe dọa tính mạng của người dân

Vật liệu nào thay thế cát?

Thạc sĩ Lương Văn Hùng, Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, cho hay công suất cấp phép khai thác cát xây dựng là khoảng 62 triệu m3/năm nhưng nhu cầu sử dụng hằng năm của cả nước lên đến khoảng 130 triệu m3. Như vậy, nguồn cung cát xây dựng chỉ đáp ứng từ 40%-50% nhu cầu. Từ đó, tình trạng thiếu cát xây dựng đã xảy ra, dẫn đến giá tăng cao nên thời gian qua, nhiều đối tượng tăng cường khai thác trái phép.

WWF Việt Nam cho rằng năng suất sản xuất nông nghiệp và các dịch vụ sinh thái của miền Tây phụ thuộc nhiều vào sự lắng đọng trầm tích. Không có dòng trầm tích (cát, bùn, sét) từ thượng nguồn và các phụ lưu sông Mê Kông, đất phù sa của đồng bằng - đã được bồi lắng qua hàng ngàn năm - sẽ biến mất vào biển.

Từ năm 1994-2014, lượng trầm tích đến ĐBSCL đã giảm 50%. Với kịch bản toàn bộ các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông được xây dựng và vận hành thì lượng trầm tích về miền Tây trong tương lai có thể sẽ giảm tới 95%. Theo WWF Việt Nam, nếu không có những hành động phối hợp hiệu quả, tình trạng sạt lở các bờ sông Cửu Long và vùng duyên hải sẽ ngày càng trầm trọng, khiến hơn hàng chục ngàn hộ gia đình sống ven sông Tiền và sông Hậu đứng trước nguy cơ mất nhà.

Thạc sĩ Lương Văn Hùng gợi ý: "Nước ta có nguồn đá xây dựng với trữ lượng lớn - vài chục tỉ mét khối, nhiều nơi đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền, phục vụ nhu cầu địa phương và cung cấp cho địa phương khác. Cát nghiền được sử dụng để sản xuất vữa bê-tông, gạch bê-tông, gạch lát vỉa hẻ, sân bãi… Tùy theo mục đích sử dụng, cát nghiền có thể thay thế 100% hoặc thay thế một phần cát tự nhiên. Nếu tăng cường sử dụng vật liệu thay thế này thì sẽ giảm khai thác cát, giảm tác động tới sạt lở, sụt lún bờ sông". 

Khai thác cát bền vững

Tại hội thảo, ông Hà Huy Anh, nhân viên quản lý dự án "Khai thác cát bền vững", cho biết dự án ra đời với mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng cát cho ĐBSCL, được sự phối hợp của các đối tác quan trọng. Dự án này cũng tăng cường khả năng để các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát, sỏi trong lĩnh vực xây dựng.

Dự án "Khai thác cát bền vững" được thực hiện từ năm 2019-2023, với 2 nghiên cứu quan trọng nhất là xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông ngòi khu vực này. Phạm vi thực hiện nghiên cứu bao gồm 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL, trong đó 1 tỉnh được lựa chọn thực hiện thí điểm lồng ghép kết quả của dự án vào kế hoạch quản lý khai thác cát sông của địa phương.


Ổn định hình thái sông ngòi miền Tây - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo