30 Tết, mẹ tôi tất tả chuẩn bị mâm cơm cúng, mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.
Trên bàn thờ, mẹ tôi đã trang hoàng hoa cúc, dưa hấu, cặp bưởi, mâm ngũ quả và những phong bánh in đậm sắc đỏ.
Ngay hiên nhà, những chậu vạn thọ, sống đời, cúc mâm xôi được đặt ngay ngắn. Với mẹ tôi: Không có hoa nào ý nghĩa như vạn thọ, sống đời cả. Nó như lời cầu mong cho năm mới với những người già.
Cùng nhau cắt lá chuối chuẩn bị nấu bánh
Năm nào cũng vậy, 30 Tết, dọn dẹp nhà cửa, cúng kiến xong xuôi, mấy mẹ con tôi chở nhau về nhà ngoại vì về ngoại là thấy Tết. Không phải bởi mùi thịt kho, mùi hoa vạn thọ mà là mùi Tết xưa - Tết của những năm 1990-2000 khi chị em tôi còn nhỏ dại.
Đám nhỏ không quen mùi khói, bị cay mắt khi chuẩn bị cho bánh vô nồi
Tết khi ấy với chị em tôi không chỉ là được sắm sửa quần áo mới, được chở đi chúc tết, nhận lì xì, ăn bánh kẹo tha hồ mà quan trọng là được sống trong cái tết thân thương, ấm áp, tình thâm của bà con xóm làng, người thân…
Đó là chiều 30 Tết, trong tiếng nhạc xuân rộn ràng, ba mẹ tôi cùng mấy bác hàng xóm ngồi trò chuyện, uống trà, ăn miếng bánh ôn lại những chuyện vui năm qua. Đám con nít chúng tôi chẳng buồn quan tâm, ngồi 1 góc chơi bầu cua cá cọp, tối đến thì chơi lô tô chờ đến giờ đón giao thừa.
Nhà nào cũng đông vui, rộn ràng, đi đến đâu cũng vui, cũng được hàng xóm đón tiếp như con cháu, như người thân trong nhà. Thậm chí con nít chơi lỡ bữa trưa, còn được thím 3, bác 4 xúc cho tô cơm đầy trứng và thịt kho, ăn no nê.
Canh củi cho nồi bánh tét 29 Tết
Đêm giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng nhất, không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng thích thú. Chúng tôi không biết nhiều về ý nghĩa của đêm giao thừa nhưng đúng 23 giờ 55, chúng tôi được mẹ kêu ra giữa sân nhà, trải tấm chiếu và quỳ lạy đất trời, cầu khấn những điều tốt lành cho năm mới. Giây phút đó chúng tôi tận hưởng một cảm giác bình yên, vui sướng đến tột cùng.
Rồi từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, nhà nào cũng chộn rộn đón khách đến thắp hương, chúc tết. Khách có khi là bà con chú bác 2 bên, là hàng xóm láng giềng, là bạn bè, người quen của ba mẹ tôi… Ngày nào chúng tôi cũng khấp khởi chờ khách đến, không chỉ đợi mong những bao lì xì đỏ mà thấy khách là thấy tình thân, tình làng xóm rất quý hoá.
Trong lúc chờ bánh chín, đám nhỏ chơi bầu cua cá cọp
Dần dần những năm 2008 trở lại đây, tục đến nhà thắp hương, chúc tết giảm dần. Rồi dịch bệnh đến, hầu như không còn ai qua lại chúc tết.
Cuộc sống người dân khấm khá, internet lên ngôi, tết nay không còn thiếu quà bánh, thịt mỡ dưa hành như thời khó, chỉ thiếu sự gắn kết, thăm hỏi trực tiếp để gửi nhau những lời chúc tốt lành.
Bánh chín rồi, đám nhỏ hào hứng khoe thành tích
Để nhắc nhở con cháu những nét đẹp truyền thống của tết xưa, năm nay, gia đình chúng tôi quyết định quây quần nấu nồi bánh tét ngày 29 Tết để cúng ông bà. Đám nhỏ được phân công lau lá chuối, người lớn gói bánh, nhóm bếp. Rồi hướng dẫn các con cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, bày mâm cúng, chuẩn bị những câu chúc tết để chúc ông bà....
Tết năm nay, chúng tôi sẽ giảm chúc Tết "online", tăng cường gặp gỡ trực tiếp, không chỉ nội ngoại 2 bên, bà con thân thuộc mà sẽ dành thời gian đi thăm thầy cô cũ, một số bạn bè thân thiết...
Bình luận (0)