Ngày 11-5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa phúc thẩm xét xử theo đơn kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cùng các bị cáo trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Không cố ý làm trái?
Tại phần tranh tụng, luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, cho rằng VKS khẳng định phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết mới nên giữ nguyên quan điểm truy tố tội cố ý làm trái với bị cáo Thăng là không chính xác. Bị cáo này đã nhận mình thiếu trách nhiệm, không bao giờ nói mình không có vi phạm hoặc không có những hành vi sai trái.
"Nhận trách nhiệm của ông Đinh La Thăng là điểm mới trong nhận thức, suy nghĩ của bị cáo nên mong HĐXX xem xét lại tội danh cố ý làm trái" - luật sư Hoài nêu quan điểm.
Về việc chọn nhà thầu Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, luật sư Hoài dẫn chứng từ năm 2007-2010 đã có một loạt quyết định của Chính phủ, văn bản Phó Thủ tướng đề cập 3 vấn đề: Cho PVN dùng đơn vị thành viên dự án trọng điểm; cho PVN cơ chế đặc thù; ấn định thời hạn khởi công. Ngoài ra, những ý kiến của Thủ tướng và Phó Thủ tướng khi chỉ đạo PVN liên quan đến 3 vấn đề trên là trên tinh thần bảo đảm chất lượng, tiến độ và phù hợp với quy định của luật.
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN
"Tôi là người phải chịu hết"
Bổ sung phần bào chữa của luật sư, ông Đinh La Thăng không đồng tình với cáo buộc của VKS, cho rằng các diễn biến và tình tiết mới của phiên tòa không được VKS xem xét, đánh giá công tâm, khách quan. "Quan điểm của VKS không hề thay đổi, cập nhật so với cấp sơ thẩm. Hành vi nào cũng đổ lỗi cho một mình tôi chịu trách nhiệm, dù 6 cấp lãnh đạo, từ Chính phủ trở xuống nhưng tôi là người phải chịu hết" - ông Thăng nói.
Từ đó, bị cáo Thăng đề nghị: "Tôi mong HĐXX xem xét chức năng, quyền hạn của tôi, nếu sai thì tôi xin chịu trách nhiệm. Riêng cá nhân tôi xin nhận trách nhiệm người đứng đầu, còn tội ai người đó phải chịu. Chứ không phải chủ tịch HĐTV là phải chịu trách nhiệm tất cả các cấp từ tập đoàn xuống các đơn vị thành viên".
Ông Thăng cũng mong HĐXX xem xét bối cảnh thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là thực hiện chủ trương phát huy nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ mà PVN là tập đoàn kinh tế lớn của đất nước nên phải thực hiện, chứ không phải chỉ định thầu cho PVC là để cứu PVC như cáo buộc của VKS.
"Không phải chỉ riêng PVC được chỉ định thầu mà tất cả đơn vị thành viên đều được chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật. Dự án được chuẩn bị suốt một thời gian dài. Cáo buộc tôi cứu PVC là không có căn cứ, vì từ năm 2009, tôi không tài thánh gì để biết năm 2011 PVC sẽ gặp khó khăn để chỉ định thầu" - ông Thăng trình bày.
Với những lập luận trên, ông Thăng khẳng định không cố ý làm trái và bản án sơ thẩm tuyên 13 năm tù, buộc bồi thường 30 tỉ đồng là quá nặng. Chi tiết mà ông đề nghị HĐXX xem xét là năm 2009, khi ông rời PVN, Ban Tổng giám đốc, HĐQT PVN tiếp tục đánh giá lại và quyết định PVC vẫn đủ năng lực làm tổng thầu.
Xin chuyển tội danh
Được HĐXX cho phép nói lời sau cùng trước khi nghị án, bị cáo Đinh La Thăng bày tỏ: "Tôi tha thiết mong HĐXX trên cơ sở chứng cứ, bào chữa của các luật sư, xem xét công tâm, khách quan, công bằng đối với tôi. Qua đó, tha thiết mong HĐXX xem xét cho tôi được chuyển tội danh thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo ông Thăng, bản thân ông trong quá trình lãnh đạo PVN, trong quá trình triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, cũng như trong chỉ đạo, điều hành không bao giờ có ý nghĩ hay chỉ đạo cấp dưới cố ý làm trái, gây hậu quả. Ông nói mình luôn hành động vì lợi ích của tập thể, vì lợi ích của tập đoàn, cao hơn là vì lợi ích của đất nước, không có tư lợi cá nhân.
Bình luận (0)