xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ðồng Nai tính lại quy hoạch cảng biển

NGUYỄN TUẤN - XUÂN HOÀNG

Muốn ra "biển lớn", Ðồng Nai phải gấp rút đưa ra giải pháp cải tổ toàn diện hệ thống cảng biển trong thời gian tới

Tỉnh Ðồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng về phát triển hệ thống cảng biển. Tuy nhiên, hệ thống cảng biển của tỉnh này lại bị đánh giá là quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường và tiến độ đầu tư của doanh nghiệp.

Thực trạng manh mún, nhỏ lẻ

Ðồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, nhu cầu chuyên chở vật liệu, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy rất lớn. Từ lợi thế này, năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Ðông Nam Bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển hệ thống cảng khu vực này, trong đó có tỉnh Ðồng Nai. Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh sẽ có 46 cảng biển được đầu tư xây dựng gồm 20 cảng tổng hợp và 26 cảng chuyên dùng tập trung chủ yếu ở 3 địa phương là TP Biên Hòa, huyện Long Thành và Nhơn Trạch.

Thế nhưng theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT tỉnh Ðồng Nai, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 17 bến cảng biển (chưa bằng một nửa số cảng được quy hoạch - PV) đang hoạt động gồm 5 bến tổng hợp và 12 bến chuyên dùng. Trong số 17 cảng biển đang hoạt động chỉ có 2 cảng biển có quy mô diện tích trên 30 ha (gồm cảng Phước Thái và cảng Ðồng Nai), còn lại là các cảng có diện tích dưới 30 ha. Ðối với 29 cảng còn lại có 5 cảng đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư và nhà đầu tư đang triển khai các bước đầu tư tiếp theo, 21 cảng chưa được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư;...

Theo Sở GTVT, huyện Nhơn Trạch là địa phương được quy hoạch phát triển nhiều cảng biển nhất với 35 cảng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều cảng được quy hoạch nhưng triển khai diễn ra ì ạch, điển hình như dự án xây dựng cảng xăng dầu COMECO. Cảng này được UBND tỉnh chấp thuận cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng từ năm 2002 với quy mô 20 ha tại xã Phú Ðông và Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch. Sau đó, chính quyền các địa phương cũng đã giải phóng mặt bằng bàn giao nhưng sau hàng chục năm nhà đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng.

Tương tự, năm 2009, UBND tỉnh cấp phép dự án cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch), dự án có khu cảng với diện tích hơn 180 ha, nơi đây chủ yếu tiếp nhận tàu tổng hợp, container tải trọng đến 60.000 DWT, gồm 10 bến tàu có tổng chiều dài hơn 3.000 m. Song, đến nay dự án này vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ðồng Nai, thừa nhận hiện chỉ có cảng Ðồng Nai và Gò Dầu vốn xuất phát điểm được nhà nước đầu tư xây dựng bài bản nên đã phát huy hiệu quả, còn lại các cảng biển khác đều trong tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ. Ông Bình cho rằng thực trạng trên là kết quả của việc phát triển cảng biển theo nhu cầu riêng lẻ của các doanh nghiệp trong thời gian qua. "Phần lớn các cảng chuyên dùng đều được đầu tư theo kiểu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gì thì đề xuất mở cảng phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh ngành hàng đó nên cảng thường nhỏ" - ông Lê Quang Bình đánh giá.

Ðồng Nai tính lại quy hoạch cảng biển - Ảnh 1.

Cảng Ðồng Nai - một trong những cảng hoạt động hiệu quả của tỉnh. Ảnh: NGUYỄN XUÂN

Tiếng nói từ thực tế

Từ thực trạng trên, ông Vũ Xuân Dự, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT, chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của việc chậm đầu tư là do chưa có hệ thống giao thông kết nối. Ðơn cử ở huyện Nhơn Trạch, tuyến đường liên cảng (từ Khu Công nghiệp Ông Kèo đến cảng Việt Thuận Thành) chưa được đầu tư xây dựng, hiện chỉ tận dụng tuyến đê Ông Kèo với chiều rộng mặt đê khoảng 5 m để lưu thông. Việc này gây khó khăn trong lưu thông dẫn tới việc đầu tư các cảng biển theo quy hoạch chậm, khiến cho việc kêu gọi đầu tư cũng như triển khai xây dựng cảng gặp nhiều khó khăn.

Ông Dự đề xuất đối với các dự án cảng biển chưa triển khai ở huyện Nhơn Trạch thì UBND tỉnh cần thực hiện điều chỉnh thành các cụm cảng với diện tích lớn để mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng tiếp cận đầu tư dự án phù hợp với giai đoạn quy hoạch mới cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới. "Cụ thể, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch sẽ phát triển 5 cụm bến cảng tổng hợp và 4 cụm bến cảng chuyên dùng. Các cụm cảng này có diện tích từ 9,3 đến hơn 78 ha mỗi cảng. Riêng với một số vị trí khó thu hút nhà đầu tư, có lợi thế phát triển các mục tiêu khác thì cần đưa ra khỏi danh mục quy hoạch nhóm cảng biển Ðông Nam Bộ để điều chỉnh thành mục tiêu đất dự trữ phát triển nhằm khai thác tốt nhất diện tích mặt sông" - ông Dự kiến nghị.

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ðồng Nai khẳng định bức tranh cảng biển của tỉnh nếu không có sự điều chỉnh, thay đổi thì nguy cơ thời gian tới cầu cảng thành… cầu ao là rất cao. Ngoài ra, UBND tỉnh cần có quy định về diện tích cần có để xây dựng cảng biển. "Từ căn cứ quy định này, những doanh nghiệp đã có đất nhưng chưa triển khai dự án khi tính chuyện mở cảng biển sẽ phải thực hiện liên doanh, liên kết với nhau để tạo thành cụm cảng. Cảng lớn thì mới có thể đón được tàu có tải trọng lớn, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh" - ông Lê Quang Bình phân tích và đề xuất.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch

Trước những đề xuất và kiến nghị của Sở GTVT, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai, chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư thực hiện rà soát đối với các dự án xây dựng cảng biển trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với những dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã giao đất, nhưng quá thời hạn mà nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện thì tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án. "Kế đến, Sở GTVT phải phối hợp chặt chẽ với 2 địa phương là huyện Long Thành và Nhơn Trạch rà soát lại quy hoạch các cảng biển trên địa bàn để đề xuất điều chỉnh" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai chỉ đạo.

Bà Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh quy hoạch cảng biển phải căn cứ vào quy hoạch giao thông, tránh tình trạng quy hoạch cảng biển nhưng không có hạ tầng giao thông kết nối dẫn đến khi xây dựng xong thì hoạt động không hiệu quả. Ðồng thời, quy hoạch cảng biển cũng phải căn cứ vào nhu cầu của các địa phương cũng như tính toán đến nhu cầu của các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh hiện đang được triển khai xây dựng. 

Ðồng Nai hiện có 13 con sông và kênh với tổng chiều dài hơn 2.300 km, trong đó có nhiều sông lớn như Ðồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu và Thị Vải. Ðây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển giao thông thủy và hệ thống cảng.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo