Giữa cái nắng bỏng rát lên đến gần 50 độ C của một ngày tháng 6, chúng tôi tìm đến Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) - nơi đặt trụ sở chính của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife; gọi tắt là SVW) để gặp được ông Nguyễn Văn Thái (SN 1982; quê quán: xã Văn Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), Giám đốc SVW - người vừa nhận được giải thưởng môi trường Goldman năm 2021 - giải thưởng danh giá nhất hành tinh về môi trường, được mệnh danh là "Nobel xanh".
Từ ám ảnh tê tê bị lột vảy ngay trước mắt
Có đến đây mới cảm nhận được những gì mà ông Thái và các cộng sự đã cống hiến thầm lặng suốt bao năm qua chỉ với mong muốn cứu những con tê tê trước nạn buôn bán để lấy vảy, giết thịt.
Dưới tán rừng xanh mướt, ông Thái và những người ở SVW đang lặng lẽ làm những công việc thường ngày của họ như chăm sóc, theo dõi sức khỏe những con tê tê và nhiều động vật hoang dã khác, kể cả vệ sinh chuồng trại, cung cấp thức ăn. Khu vực chuồng trại được xây dựng rất khoa học, phù hợp với môi trường cũng như tập tính sinh sống của từng loài. Khác với vẻ ngoài nghiêm nghị, khi trò chuyện, ông Thái khá cởi mở, phong cách mộc mạc.
Nhớ lại cơ duyên trở thành nhà bảo tồn tê tê hàng đầu châu Á, ông Thái cho biết do mẹ là cán bộ làm việc trong VQG nên ngay từ nhỏ ông đã theo mẹ đi khắp nơi và có tình yêu thiên nhiên. Khi đó, ông đã "sốc" vì tận mắt chứng kiến người thợ săn bắt một con tê tê mẹ đang nuôi con nhỏ và bóc vảy bán cho thương lái Trung Quốc làm thuốc. "Nhìn cảnh con tê tê mẹ cố cuộn tròn người lại để bảo vệ đứa con non chưa kịp ra vảy mà tôi đã ứa nước mắt. Khi con tê tê bị bóc vảy, nó đã kêu lên thảm thiết vì đau đớn như lời cầu cứu, van xin. Điều đó đã ám ảnh và thôi thúc tôi phải làm gì đó để cứu lấy những con vật đáng thương kia" - ông Thái nhớ lại.
Do đam mê thiên nhiên từ nhỏ nên cậu bé Thái muốn trở thành kiểm lâm để bảo vệ rừng khi lớn lên. Sau khi học xong trung học, ông Thái đã thi vào Trường Đại học Lâm nghiệp. Tuy nhiên, khi ra trường về thực tập tại VQG Cúc Phương năm 2005, ông được tiếp cận với nhiều chương trình cứu hộ động vật hoang dã, hình ảnh về những con tê tê bị bắt lấy vảy ngày nào lại ập về khiến ông thay đổi quyết định và bắt đầu hành trình tìm quyền sống trong tự nhiên cho tê tê. Từ đó, ông tham gia Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê tại VQG Cúc Phương, được tiếp xúc với nhiều chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực cứu hộ.
Do chương trình hoạt động không mấy hiệu quả bởi nguồn kinh phí hạn hẹp, vốn kiến thức về loài động vật này lúc đó còn ít ỏi nên ông quyết định tìm cơ hội đi du học để hiểu biết nhiều hơn. Năm 2010, ông được nhận học bổng du học một năm tại khóa học Quản lý các loài động vật hoang dã nguy cấp của Trường Đại học Kent - Vương quốc Anh, chuyên sâu về bảo tồn và cứu hộ động vật. Năm 2012-2013, ông tiếp tục học thạc sĩ quản lý môi trường tại Trường Đại học Quốc gia Úc, theo chương trình học bổng phát triển của chính phủ nước này. "Những năm tháng đó đã cho tôi rất nhiều kiến thức bổ ích cho công việc sau này của mình" - ông Thái bộc bạch.
Đầu năm 2014, ông Thái trở về nước và bắt đầu chọn lối đi riêng cho mình, quyết định sáng lập ra tổ chức phi chính phủ, SVW, có trụ sở nằm dưới những tán rừng trong VQG Cúc Phương, sau đó tiếp tục mở thêm một trung tâm tại VQG Pù Mát (Nghệ An) và nhiều thành viên nằm rải rác ở các khu bảo tồn, VQG để thực hiện các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã. Nhờ những việc làm thầm lặng của ông mà hàng ngàn con tê tê và các loài động vật hoang dã khác đã thoát "lưỡi hái tử thần" trở lại với điều kiện sống tự nhiên.
Ông Nguyễn Văn Thái nâng niu một con tê têẢnh: Suzi Eszterhas
Ông Thái với giải thưởng danh giá mới được nhận. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Văn Thái trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động. Ảnh: Tuấn MINH
Cứu được hàng ngàn cá thể tê tê
Kể từ khi trung tâm ra đời, SVW đã trực tiếp tham gia phá nhiều vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã, giải cứu hơn 2.000 động vật hoang dã của 40 loài khác nhau, trong đó tê tê nhiều nhất, với trên 1.600 con. Đáng chú ý, theo lời ông Thái, từ khi biệt đội giải cứu thú rừng (Anti-Poaching) được thành lập tại VQG Pù Mát (năm 2018), SVW đã hỗ trợ chính quyền phá hủy khoảng 10.000 bẫy thú, thu 80 khẩu súng, 800 lồng nhốt thú, bắt giữ 600 đối tượng săn trộm và buôn bán động vật hoang dã, trong số này có nhiều người bị truy tố, bị phạt tù về hành vi săn bắt tê tê.
Để cứu những cá thể tê tê đang bị bắt nhốt với mục đích kinh doanh, giết thịt, ông Thái và các cộng sự của mình đã phải "cải trang", "nhập vai" lúc thì đại gia, lúc thì người đi buôn thịt thú rừng... để thâm nhập các điểm mua bán động vật hoang dã, các đầu nậu, nhà hàng nhằm thu thập tư liệu, từ đó phối hợp với công an, kiểm lâm kiểm tra thu giữ, triệt phá các đường dây mua bán động vật hoang dã.
Nhà bảo tồn động vật hoang dã này cũng cho biết thực trạng đáng lo lắng là việc cứu hộ tê tê rất khó khăn, tỉ lệ được cứu sống, tái thả về tự nhiên rất thấp, chỉ đạt khoảng 60%. Lý do là tê tê thường bị vận chuyển đi khá xa, chúng bị bỏ đói, không được chăm sóc suốt thời gian từ 15-20 ngày. "Có lần chúng tôi nhận được tin cơ quan chức năng bắt được 115 con tê tê, khi đến nơi, có tới 90 con đã chết do bị nhốt trong xe thùng và phơi giữa nắng nóng quá lâu. Hình ảnh đó khiến tôi ám ảnh và xót xa. Tàn nhẫn nữa là trước khi bị bán, để tăng thêm trọng lượng, những kẻ buôn cắm ống bơm thức ăn thẳng vào dạ dày tê tê khiến nội tạng chúng bị tổn thương nghiêm trọng, nhiều con trong tình trạng sức khỏe gần như kiệt quệ" - ông Thái cho hay.
Với tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, làm thế nào để tê tê được cứu nhiều nhất có thể và được chăm sóc khỏe mạnh, về với điều kiện sống tự nhiên, ông Thái và các cộng sự ngoài việc đấu tranh giành lại quyền sống cho chúng, đã đưa ra nhiều sáng kiến hay trong công tác cứu hộ, chăm sóc tê tê. SVW cho gắn bộ phận thu sóng vào flycam, đồng thời gắn thiết bị phát sóng vào cá thể tê tê từ khi thả. Khi thiết bị bay hoạt động, nó sẽ thu sóng để xác định địa điểm tê tê đang di chuyển, ở vị trí nào, khả năng tái hòa nhập với thiên nhiên ra sao.
"Tôi rất vui là trong vài năm trở lại đây, tình trạng săn bắt động vật hoang dã, trong đó có tê tê đã giảm hẳn. Đặc biệt, trong 15 năm qua, rất nhiều tê tê đã sinh sản trở lại trong tự nhiên. Đây chính là động lực giúp chúng tôi tiếp tục sứ mệnh của mình với tê tê cũng như nhiều loài động vật hoang dã khác" - ông Thái bày tỏ và cho biết ngoài VQG Cúc Phương và VQG Pù Mát, SVW đã ký kết thỏa thuận hợp tác để phát triển mô hình nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng ra nhiều VQG khác, tiến tới sẽ tham gia công tác bảo vệ rừng ở tất cả các VQG khu bảo tồn tại Việt Nam.
Tặng toàn bộ tiền thưởng cho hoạt động bảo tồn
Ngày 16-6 vừa qua, tại Mỹ, ông Nguyễn Văn Thái đã được vinh danh bằng giải thưởng Goldman - giải thưởng lớn nhất, danh giá nhất thế giới về môi trường, được mệnh danh là "Nobel Xanh" với tiền thưởng 200.000 USD (khoảng 4,6 tỉ đồng). Điều đáng quý là toàn bộ số tiền thưởng này, ông Thái quyết định dành tặng cho công tác bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 4-2016, ông Thái cũng là người Việt Nam đầu tiên đã mang về giải thưởng "Future For Nature" dành cho những người trẻ (dưới 35 tuổi) có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn động vật hoang dã thế giới. Sau khi được giải, ông cũng tặng toàn bộ số tiền thưởng 50.000 euro (gần 2 tỉ đồng) cho các hoạt động bảo tồn tê tê ở Việt Nam.
Bình luận (0)