Ngày 19-3, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), UBND huyện Thiệu Hóa kiểm tra, làm rõ việc phá giếng cổ làm mới gây bức xúc trong nhân dân tại di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu (tại thôn 3, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa).
Giếng cổ ở đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu bị phá bỏ khi trùng tu
Văn bản yêu cầu các đơn vị trên có biện pháp xử lý đảm bảo việc tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện theo đúng quy định, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày qua, người dân xã Thiệu Trung và những nhà nghiên cứu lịch sử rất bất bình trước việc UBND huyện Thiệu Hóa cho phá bỏ giếng Ngọc (được cho có tuổi đời hàng trăm năm) tại di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu, để trùng tu, tôn tạo bằng cách làm mới giếng Ngọc ngay trên nền giếng cổ.
Ghi nhận thực tế tại đây cho thấy chủ đầu tư là UBND huyện Thiệu Hóa đang trùng tu, tôn tạo rất nhiều các hạng mục công trình tại di tích lịch sử đền Lê Văn Hưu. Nhiều hạng mục trong khuôn viên di tích đã cơ bản hoàn thành, riêng hạng mục giếng Ngọc đã được chủ đầu tư phá bỏ, đang tiến hành làm phần móng giếng. Công trình hiện đã tạm dừng thi công sau khi vấp phải sự phản đối của người dân.
Giếng mới được chủ đầu tư đang cho xây dựng
Bà Trần Thị Lự (84 tuổi; ngụ xã Thiệu Trung) cho biết giếng Ngọc có từ khi nào bà cũng không rõ vì khi lớn lên bà đã thấy có giếng nước này, nó là công trình gắn bó, gần gũi với nhân dân Thiệu Trung. "Việc trung tu, tôn tạo di tích là cần thiết, thế nhưng huyện cho phá giếng cũ, thu nhỏ lòng giếng bằng một cái giếng mới toanh như thế này thì dân làng không đồng tình. Chúng tôi thấy xót xa lắm"- bà Lự chia sẻ.
Ông Trần Văn Oanh (52 tuổi, ngụ thôn 3, xã Thiệu Trung) và nhiều người dân khi được hỏi cũng tỏ ra bức xúc trước cách trùng tu di tích của chính quyền địa phương. Ông Oanh cho biết trước khi tiến hành trùng tu, chính quyền địa phương đã không họp và hỏi ý kiến người dân. "Chúng tôi thực sự rất tiếc nuối khi giếng cổ bị phá bỏ, xây mới. Giếng Ngọc đã gắn bó với dân làng hàng trăm năm, giờ phá thế này cũng không thể giữ được nữa rồi"- ông Oanh nói.
Giếng Ngọc hiện đã dừng thi công
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thiệu Hóa, đơn vị được UBND huyện Thiệu Hóa giao trách nhiệm thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Lê Văn Hưu - cho biết đơn vị thi công đúng theo như thiết kế bản vẽ đã được Bộ VH-TT-DL thẩm định, còn giếng cổ này có từ khi nào ông cũng không được rõ.
Theo đại diện UBND huyện Thiệu Hóa, đây là một dự án trùng tu, tôn tạo có ý nghĩa lịch sử văn hóa rất lớn, vì thế trước khi trùng tu, các bước trình tự, thủ tục hồ sơ rất chặt chẽ và có lấy ý kiến của nhân dân, đa số người dân xã Thiệu Trung đồng tình việc trùng tu lại giếng Ngọc.
Phối cảnh tổng thể việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu
Bình luận (0)