Những hàng quán vắng khách, không còn cảnh người, xe xếp hàng dài chờ xuống phà, 2 bờ sông giờ vắng lặng. Chắc hẳn lòng người thoáng chút bâng khuâng trong hoài niệm về một chứng nhân lịch sử. Từ những chiếc phà cơ giới nhỏ ban đầu đến những chiếc phà lớn công suất mạnh vượt sông, đêm ngày gồng mình chở lúa gạo của vựa lúa miền Tây lên TP HCM thập niên 1970-1980, rồi chở hàng hóa tiêu dùng từ TP HCM về với bà con vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, chở theo những vui buồn bao số phận, tình người. Nay chắc khó ai quên.
Theo nhà Nam Bộ học Sơn Nam, quá trình mở mang bờ cõi, mỗi giai đoạn phát triển của vùng đất phương Nam đánh dấu một giai đoạn văn minh. Cùng với văn minh lúa nước, văn minh miệt vườn và văn minh kinh xáng thì văn minh sông nước luôn gắn liền với lao động, sản xuất, sinh hoạt của người miền Tây, trong đó có việc đi lại đường sông. Sự xuất hiện của những chiếc xáng cơ giới đầu tiên ở vùng Nam Kỳ thời thuộc Pháp đã sinh ra những đại công trình thủy lợi giao thông: kinh xáng Xà No, Lái Hiếu, kinh Chợ Gạo, thay cho những công trình đào kinh bằng sức người như kinh Vĩnh Tế, Thoại Hà thuở cha ông xưa. Sự xuất hiện những chiếc phà cơ giới cũng đánh dấu bước phát triển của đất Chín Rồng thay cho ghe bầu, xuồng ba lá, ghe tam bản hay những chiếc đò ngang chông chênh.
Những cây cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Vàm Cống vượt sông thay cho phương tiện tàu, phà là điều đáng mừng, là dấu mốc của sự phát triển giao thông. Nhưng nhìn ở nhiều góc độ kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch hay lợi thế của các phương thức giao thông thủy - bộ thì cũng không nên "bỏ qua một bên" như cách chấm dứt đột ngột một bến phà lịch sử trăm năm như phà Vàm Cống.
Từ kinh nghiệm thực tiễn hậu cầu Cần Thơ, trước khi cầu Vàm Cống khánh thành, nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đã từng kiến nghị cơ quan quản lý giao thông nên duy trì hoạt động phà Vàm Cống. Thực tế là ở Cần Thơ hiện nay vẫn tồn tại bến phà. Dọc theo sông Hậu cũng đã hình thành các bến phà Cồn Khương (quận Ninh Kiều), phà Xóm Lưới (Bình Thủy), phà Thới An (Ô Môn), vấn đề là quản lý tốt, bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu người dân.
Đáng mừng là mới đây, tỉnh An Giang đã có văn bản chính thức kiến nghị Tổng cục Đường bộ để phà Vàm Cống hoạt động trở lại với trọng tải nhỏ sẽ phục vụ rất lớn cho nhu cầu của người dân, hạn chế bến khách tự phát qua sông, bảo đảm an toàn giao thông. Từ góc nhìn du lịch sông nước, việc duy trì bến phà Vàm Cống cũng là điểm nhấn thú vị. Nhưng đến bao giờ câu chuyện trăm năm của bến phà bên dòng sông Hậu có được viết tiếp hay không, một lần nữa thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp trên.
Bình luận (0)