xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phác đồ mới điều trị ngáo đá: Nhiều việc cần làm

NGỌC DUNG

Yếu tố then chốt trong điều trị ngáo đá cũng như cai nghiện ma túy đá là các liệu pháp tâm lý, ý chí người nghiện và sự quan tâm của gia đình hơn là thuốc

Bộ Y tế vừa ban hành phác đồ điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine khi tình trạng nhiều người nghiện lên cơn ngáo đá gây ra nhiều vụ giết người dã man.

Không có thuốc đặc trị

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy các ma túy tổng hợp được sử dụng phổ biến là Methamphetamin, Estasy, Ketamine với các tên gọi thông dụng như đá, thuốc lắc, viên nữ hoàng, ngọc điên, yaba. Trong đó, Methamphetamine (còn gọi là ma túy đá) được dùng phổ biến nhất.

Người nghiện ma túy đá hầu hết có triệu chứng trầm cảm, lo âu và nặng hơn là loạn thần. Họ thường nghe có tiếng nói trong đầu xui khiến nên tấn công người khác và gây ra những vụ án nghiêm trọng. Heroin, thuốc phiện chỉ gây hưng phấn trong vài giờ nhưng ma túy tổng hợp tạo hưng cảm (hay còn gọi là ngáo đá) tới 3-4 ngày.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - thành viên ban soạn thảo phác đồ trên, thế giới hiện có hơn 200 loại ma túy đá và chưa có thuốc đặc trị với người nghiện cũng như các giải pháp can thiệp thật sự hữu hiệu. Để điều trị các cơn ngáo đá nói riêng và cai nghiện nói chung cần một giải pháp tổng thể, bao gồm cả dùng thuốc, điều trị tâm lý và sự hỗ trợ của xã hội.

"Ở nhiều nước phát triển, việc điều trị, hỗ trợ tâm lý, xã hội rất quan trọng. Bởi theo thống kê có tới 80% người nghiện ma túy tổng hợp chỉ cần can thiệp bằng liệu pháp tư vấn và khoảng 15% người nghiện cần được điều trị rối loạn tâm thần tại các cơ sở y tế. Khi qua giai đoạn này, bệnh nhận sẽ tiếp tục được điều trị ngoại trú với liệu pháp can thiệp tâm lý và hành vi" - ông Cảnh diễn giải.

Phác đồ mới điều trị ngáo đá: Nhiều việc cần làm - Ảnh 1.

Bệnh nhân ngộ độc ma túy tổng hợp được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: Thế Anh

Quan trọng là ý chí người nghiện

Là chuyên gia trực tiếp nghiên cứu và triển khai phác đồ điều trị người nghiện ma túy đá, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết phác đồ đã có từ năm 2014 nhưng chỉ có phần điều trị. Theo phác đồ mới, việc điều trị bao gồm cả hỗ trợ về tâm lý, điều trị cấp và hỗ trợ lâu dài về xã hội giúp người bệnh không tái nghiện, hòa nhập cộng đồng.

Theo bác sĩ Hà, phác đồ này ra đời đã giúp giải quyết được quan niệm trước đây là những trường hợp rối loạn do ma túy đá gây ra chỉ trị liệu tâm lý là đủ. Phác đồ đã xác định rõ trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng loạn thần thì người bệnh được can thiệp ở đâu và như thế nào.

"Đơn cử như loạn thần trong trường hợp nhiễm độc cấp, rối loạn về cơ thể sẽ được trị liệu ở các cơ sở cấp cứu; trường hợp rối loạn về tâm thần sẽ chuyển sang các cơ sở cấp cứu về tâm thần hoặc các cơ sở tâm thần để điều trị. Còn khi người bệnh đã ổn định về tâm thần hoặc các rối loạn tâm thần nặng không xuất hiện nữa thì họ sẽ được điều trị như thế nào, hỗ trợ tâm lý ra sao, ở đâu và cách trị liệu tâm lý nào hiệu quả nhất cũng được giới thiệu chi tiết trong phác đồ này" - bác sĩ Hà nói.

Bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, cho biết việc cắt cơn ngáo đá mất từ 7-10 ngày, còn việc cai nghiện có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào lý trí, quyết tâm của người nghiện. "Về cơ bản là phải tách người nghiện ra khỏi môi trường có thể dễ dàng mua, sử dụng ma túy; đồng thời gia đình nên gần gũi, chia sẻ, thông cảm với họ, không để họ bị suy sụp, buồn chán dẫn đến phải đi tìm ma túy đá để "kích" tinh thần lên" - bác sĩ Cương nhấn mạnh.

Tăng cường nhân lực

Theo ông Cảnh, Bộ Y tế đang xây dựng tài liệu để tập huấn cho cơ sở. Các cơ sở này được thành lập như thế nào, ở đâu sẽ do địa phương quyết định. Mô hình đang triển khai là các phòng khám tư vấn ở các bệnh viện tâm thần, trung tâm chuyển giao điều trị nghiện và một số điểm tư vấn của các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, đây chỉ là con số rất nhỏ so với nhu cầu.

"Các cơ sở điều trị tâm thần đã có nhưng với hơn 80% người nghiện ma túy tổng hợp cần hỗ trợ về tâm lý thì số lượng bác sĩ, tư vấn viên hiện có lại quá mỏng, cần các địa phương quan tâm xây dựng hệ thống để triển khai" - ông Cảnh nhấn mạnh.

Theo phác đồ điều trị, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tư vấn viên hoặc cán bộ tâm lý đã được tập huấn về trị liệu giúp bệnh nhân xác định tình trạng hiện tại so với mục tiêu mong muốn và hậu quả nếu họ tiếp tục sử dụng ma túy, từ đó hỗ trợ nội lực để họ thoát khỏi ma túy.

Cũng theo ông Cảnh, chi phí điều trị người nghiện ma túy đá không lớn nhưng quan trọng là người nghiện phải có ý thức tham gia cai nghiện và gia đình là yếu tố then chốt để giúp họ dứt bỏ hoàn toàn với ma túy. 

Liệu pháp 3 trong 1

Theo các bác sĩ tâm thần ở Mỹ, không giống như điều trị rối loạn tâm thần do sử dụng heroin hoặc rượu, hiện không có loại thuốc hiệu quả để điều trị các cơn ngáo đá. Thậm chí, một số người có thể bị rối loạn tâm thần kéo dài ngay cả sau khi loại bỏ các chất độc trong ma túy ra khỏi cơ thể.

Trong khi đó, theo các bác sĩ Úc, với những tiến bộ trong phương pháp trị liệu, ngáo đá có thể điều trị dứt điểm bằng 3 liệu pháp kết hợp: Thuốc, trị liệu tâm lý và sự hỗ trợ từ gia đình. Bên cạnh đó, giúp người nghiện giảm căng thẳng và học cách đối phó với căng thẳng có thể ngăn ngừa các triệu chứng rối loạn tâm thần quay trở lại. Ngoài ra, việc ổn định cuộc sống, tạo việc làm với thu nhập tốt cũng là cách để những người nghiện ma túy không tái nghiện.

Huệ Bình

Cần câu lạc bộ hơn điểm điều trị

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, các câu lạc bộ người nghiện ma túy đã được thành lập ở nhiều nước phát triển. Người nghiện tham gia câu lạc bộ một cách tự nguyện, miễn phí cùng sinh hoạt nhóm và thảo luận các vấn đề liên quan. Trước khi tham gia, họ phải ký một bản cam kết không được tiết lộ các thông tin về thành viên của nhóm. Mọi người đến đây không chỉ đơn thuần là cai nghiện mà còn là điểm để vui chơi, tâm tình.

"Ở Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều câu lạc bộ hỗ trợ cho người nghiện thay vì mới chỉ là các điểm điều trị như hiện nay" - ông Cảnh bày tỏ.

Tăng hình phạt người bán ma túy đá?

Các vụ người nghiện ma túy lên cơn ngáo đá gây ra các vụ thảm án kinh hoàng khiến dư luận đặt vấn đề: Người nghiện ma túy đá nguy hiểm hơn nghiện heroin. Vì vậy, cần tăng hình phạt đối với những đối tượng buôn bán ma túy đá.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM), cho rằng nhận định trên chưa đủ căn cứ. Bà Thủy cho biết tội "Mua bán trái phép chất ma túy" đã được quy định rõ tại điều 251 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, ở khoản 4 điều 251 quy định rất rõ việc mua bán các chất ma túy có thể bị xử tù 20 năm đến tử hình với các định lượng cụ thể: Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa từ 5 kg trở lên; heroin, MDMA… từ 100 g trở lên; lá rễ, thân cành cần sa hoặc coca từ 75 kg trở lên; quả thuốc phiện khô từ 600 kg (150 kg đối với quả tươi) trở lên; 750 ml ma túy thể lỏng; các chất ma túy từ 300 g trở lên….

Khi phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy đá, các cơ quan chức năng phải qua giai đoạn giám định hàm lượng, bóc tách chất gây nghiện có trong đó. Sau đó, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án căn cứ kết quả giám định, đối chiếu với quy định pháp luật để khởi tố, truy tố, xét xử.

Ph.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo