Khá nhạy bén, ngay khi đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 chưa ảnh hưởng nhiều đến người dân, đầu tháng 6-2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đã đề xuất UBND TP triển khai gói hỗ trợ hơn 1.000 tỉ đồng cho công nhân mất việc, người lao động tự do, doanh nghiệp khó khăn... Và nay, chương trình này đã được đặt trên bàn của các vị đại biểu HĐND, trong bối cảnh TP HCM bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhanh chóng, kịp thời là những mục tiêu gấp rút phải đặt ra, bởi gói hỗ trợ này tác động rất sâu rộng đến đời sống người dân toàn TP. Trước đây, vào giữa năm 2020, hơn 536.000 người dân khó khăn cũng đã được hỗ trợ tổng cộng gần 600 tỉ đồng để ổn định cuộc sống, tiếp tục đương đầu với dịch bệnh.
Hai tuần trước, lãnh đạo UBND TP HCM đã tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp nhằm lắng nghe ý kiến về những khó khăn của họ để nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ. Chỉ một thời gian ngắn vừa qua hàng ngàn doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hơn 2.200 doanh nghiệp phải giải thể và liên đới đến cả chục vạn người lao động.
Tích lũy khi thuận lợi, tạo nguồn dự phòng, có các phương án ứng phó ngắn hạn và dài hơi khi khó khăn... không chỉ thể hiện trách nhiệm của bộ máy quản lý mà còn cho thấy tầm nhìn của nhà quản trị. Duy trì được sức khỏe của nền kinh tế, ổn định được dân sinh thì hạn chế được tác động ngoại quan bất lợi và sớm lấy lại đà phát triển của quốc gia. Không chỉ các địa phương trọng yếu về kinh tế như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương... tích cực hỗ trợ mà các tỉnh, thành khác cũng sớm khởi động các chương trình của riêng mình ngoài nguồn vốn của trung ương. Tự mỗi địa phương phải chu toàn được cuộc sống của người dân chứ không thể lúc bình thường đã xin ngân sách từ trung ương, khi cả nước khó khăn lại tiếp tục nhờ cứu trợ trong khi nguồn ngân sách quốc gia có hạn và phải cấp tập lo hàng loạt công việc quan trọng khác.
Vấn đề nữa là các ngành, các tổ chức khác lấy việc lớn làm trọng, song hành cùng Nhà nước, cảm thông cùng người dân để có những hoạt động hợp lý và cả hợp tình. Trong lúc khó khăn thì ý muốn bảo toàn lợi ích là điều cũng dễ hiểu nhưng vì đó mà tác động tiêu cực đến toàn xã hội thì khó thể chấp nhận.
Trong lúc lao đao như thế này mà Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất đưa lãi suất tiền gửi VNĐ xuống 0% thì quả là khó nghĩ! Những toan tính của các thành viên trong hiệp hội này đã bất chấp số phận hàng triệu người, đặc biệt là người lớn tuổi đang sống chủ yếu nhờ vào lãi suất tiền gửi mà họ tích lũy được lúc còn trong tuổi lao động.
Đầu tháng 5-2020, Bộ Giao thông Vận tải còn đề xuất tăng phí BOT với lý do các doanh nghiệp BOT gặp khó khăn. Đề xuất trên vờ như quên đi hàng ngàn doanh nghiệp vận tải đang thoi thóp, hàng hóa của người dân không bán được, thu nhập của đại bộ phận người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Nếu không "đưa được than trong ngày tuyết" thì đừng làm khó người đang trong nghịch cảnh!
Bình luận (0)