"TP HCM làm được 100 đồng thì nộp ngân sách hết 82 đồng, trong khi còn phải thực hiện Nghị quyết 54 về bảo đảm an sinh xã hội. Vậy với 18 đồng thì chi tiêu ra sao?" - ông Khuê đặt vấn đề tại cuộc họp HĐND TP.
Nhiều năm nay, TP HCM dẫn đầu cả nước về thu - nộp ngân sách. Năm 2017, trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách cho TP HCM là 347.882 tỉ đồng. Năm nay, chỉ tiêu ấy tăng thêm 8,31% nữa, tức 376.780 tỉ đồng, tính bình quân mỗi ngày (không kể chủ nhật), TP phải đạt mức thu 1.203 tỉ đồng. Chỉ tiêu này quá cao, khó có thể hoàn thành khi tới thời điểm đầu tháng 12 này, ước thực hiện đạt 98,1%, tức 369.621 tỉ đồng. Van áp lực chưa được xả thì năm 2019, trung ương giao TP thu ngân sách 400.000 tỉ đồng, trong khi TP dự toán thấp hơn: 399.125 tỉ đồng…
Tỉ lệ ngân sách TP HCM được giữ lại trước đây là 23%, sau đó trung ương cắt giảm còn 18% (giai đoạn 2017-2020), khiến TP phải nỗ lực xoay trở bằng mọi cách để có nguồn vốn bảo đảm phát triển. Trong kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi năm 2017, TP HCM cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách của TP giai đoạn 2016-2020 là hơn 296.700 tỉ đồng nhưng chỉ có thể bố trí vốn cho giai đoạn này được 50% nhu cầu. Nhiều công trình trọng điểm hiện đang đói vốn trong khi hàng loạt hạng mục khác thuộc phạm vi Nghị quyết 54 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018) cũng đang rất cần đồng tiền ngân sách.
TP HCM luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ ngân sách trung ương giao. Trong lúc chưa thể giảm tải cho TP thì trung ương cần phải siết chặt kỷ luật về chi ngân sách, không để TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng và 10 tỉnh, thành khác năm này qua năm khác nai lưng đóng góp cho ngân sách, như TP HCM là 28% trong khi phần lớn trong 50 tỉnh - thành còn lại thì cứ triền miên ngửa tay xin phân bổ.
Những ngày cuối năm này, nhiều địa phương đã lục đục về trung ương xin phân bổ gạo để cứu đói cho người dân dịp Tết sắp tới. Dân nghèo tất nhiên cần được hỗ trợ nhưng chắc chắn họ sẽ vui hơn nếu đồng tiền, hạt gạo được cấp phát từ kho lẫm của tỉnh nhà chứ không phải xin xỏ từ nơi khác. Không ít địa phương chỉ cần lãnh đạo biết dè sẻn trong chi tiêu công thì cũng đã dành đủ nguồn lực để làm chuyện này. Nhưng thực tế không như vậy, lắm nơi năm này qua năm khác đầu năm được trung ương duyệt phân bổ ngân sách, cuối năm vác đơn đi xin gạo cứu đói giáp hạt nhưng vẫn lạnh lùng duyệt chi cho cán bộ đi nước ngoài hàng tỉ đồng, bắn pháo hoa rình rang; thậm chí lập đề án xây quảng trường, tượng đài, trung tâm hành chính hàng ngàn tỉ.
Kể ra như thế để nói rằng rất cần sự công bằng trong thu - nộp và chi ngân sách. Hơn ai hết, người dân ở những tỉnh - thành đóng góp ngân sách chủ lực, như TP HCM, thừa quyền đòi hỏi sự công bằng này.
Bình luận (0)