Bằng chứng mới nhất là tối 31-5, một tổ công tác trật tự đô thị thuộc UBND phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 đi xử lý vi phạm trật tự lòng, lề đường. Khi đến khu vực gần cầu Mống, tổ phát hiện nhiều người lấn chiếm vỉa hè nên đã tạm giữ tang vật. Trong đó, một hộ kinh doanh quán ốc đã chửi bới 3 cán bộ trật tự đô thị phường và hai bên to tiếng với nhau. Hậu quả, 2 cán bộ trật tự đô thị bị đánh và được đưa đến bệnh viện sơ cứu.
Với cách quản lý như hiện nay, dù vỉa hè có bị tái chiếm thì vẫn rất khó truy trách nhiệm người đứng đầu Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trước đó, sáng 9-5, tổ quản lý trật tự đô thị phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) đi kiểm tra và phát hiện trước nhà số nhà 44 Nguyễn Văn Cự buôn bán lấn chiếm vỉa hè nên tiến hành lập biên bản thì 1 cán bộ đã bị người lấn chiếm chém gây thương tích. Ở một thực tế khác, hình ảnh các nhà hàng, quán nhậu chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, để xe vẫn cứ như thách thức dư luận đang diễn ra đều khắp ở các quận - huyện trên địa bàn TP sau những đợt dọn dẹp.
Dẫn ra vậy để thấy rằng đến bây giờ có thể khẳng định việc tái lấn chiếm vỉa hè sau những trận ra quân đình đám là chuyện không thể thay đổi nếu không muốn nói là vô phương khi vẫn duy trì cách quản lý và trách nhiệm như hiện nay. Bởi trách nhiệm liên tục được đổ từ người này sang người khác để rồi trách nhiệm chẳng thuộc về ai, dù chính quyền TP HCM nhiều lần đòi xử nghiêm người đứng đầu. Cho đến thời điểm hiện tại việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu quả là khó vì nhiều lãnh đạo từ quận, đến phường cho rằng họ đã kiểm tra đều đặn, định kỳ có, đột xuất và làm rất quyết liệt theo chỉ đạo của lãnh đạo TP nhưng tại sao các nhà hàng, quán nhậu, khách sạn "ỳ" quá nên đành bó tay.
Với thực tế như đã nêu, vậy vỉa hè ở TP HCM nên quản thế nào để vừa tạo điều kiện cho người nghèo mưu sinh, chặn đứng sự trục lợi của người giàu, chặn đứng sự tha hóa của cán bộ địa bàn? Trả lời câu hỏi này, rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đô thị khẳng định dứt khoát phải có một công ty quản lý vỉa hè để quản hết vỉa hè trên toàn thành và công ty này phải chịu trách nhiệm trước chính quyền TP HCM nếu vỉa hè bát nháo, không còn chỗ cho người đi bộ… Bởi các chuyên gia cho rằng ở một số nước, việc cho thuê vỉa hè có thể kiếm được hàng trăm triệu USD để tái đầu tư hạ tầng. Thực tế, ở Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng có khai thác, cho thuê lòng đường, vỉa hè nhưng ít hiệu quả. Vì vậy, việc dứt khoát phải thành lập một công ty chuyên kinh doanh vỉa hè là điều phải làm và không nên bàn lùi nữa, nhất là trong điều kiện ngân sách để đầu tư hạ tầng ngày càng eo hẹp như hiện nay.
Khi đã có công ty chuyên coi sóc vỉa hè với trách nhiệm cụ thể cùng những chính sách nhất quán, rõ ràng thì có thể tin rằng vỉa hè sẽ không còn nóng như hiện nay. Thay vào đó, người đi bộ vẫn thoải mái đi trên vỉa hè, người nghèo vẫn mưu sinh trên vỉa hè và ngân sách cũng thu được kha khá.
Bình luận (0)