Ngày 10-6, tại tỉnh Vĩnh Long, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học "Đồng chí Phạm Hùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam" nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11.6.1912 - 11.6.2022).
Tấm gương sáng
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - khẳng định ông Phạm Hùng là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quang cảnh hội thảo kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Ảnh: LÊ KHÁNH
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, với tài năng, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, kiên định, nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, bản lĩnh, nghị lực phi thường và với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, ông Phạm Hùng đã được Đảng, nhà nước tin tưởng giao, đảm nhận nhiều trọng trách, dù ở cương vị nào, dù khó khăn gian khổ đến đâu, ông vẫn luôn sẵn sàng đứng ở "đầu sóng, ngọn gió" hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cuộc đời 76 mùa Xuân, gần 60 năm hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, ông Phạm Hùng đã nêu tấm gương trong sáng, mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản. Thực tiễn đấu tranh cách mạng đã tôi luyện ông thành "con người thép, con người huyền thoại", phấn đấu hy sinh vì nước vì dân cho đến những phút cuối cùng của cuộc đời.
"Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Phạm Hùng là hình ảnh mẫu mực về lý tưởng sống, về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Ông là tấm gương về tinh thần kỷ luật, kỷ cương, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ do tổ chức phân công, người cán bộ lãnh đạo luôn sâu sát thực tiễn, gắn bó mật thiết và không ngừng chăm lo đời sống cho nhân dân…" - ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết.
Cán bộ lãnh đạo gương mẫu
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho hay ông Phạm Hùng đã tỏ rõ phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh; một tấm gương sáng ngời của người cộng sản; sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa với đồng chí, đồng bào. Vì vậy, ông được nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tin yêu và kính trọng.
Đối với quê hương Vĩnh Long, ngay từ khi tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ông Phạm Hùng đã đem hết nhiệt huyết vận động tuyên truyền, giác ngộ thanh niên, học sinh ở quê hương. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng ở miền Nam và khi đất nước thống nhất, trên cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tuy bận nhiều công việc lo cho quốc kế dân sinh, ông Phạm Hùng vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về làm việc với Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long và thăm quê hương.
Tổng kết hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những hoạt động, cống hiến to lớn của ông Phạm Hùng, với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long.
"Chúng ta càng nhận thức sâu sắc vinh dự, trách nhiệm của thế hệ ngày nay đối với công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối, cùng nỗ lực đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao" - ông Phan Xuân Thủy nói.
Cả đời cống hiến không ngừng nghỉ
Ông Phạm Hùng, tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912 tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 4-1931, ông bị địch bắt, sau đó bị giam tại xà lim án chém ở Khám Lớn - Sài Gòn, rồi bị đày ra nhà tù Côn Đảo.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông được đón về đất liền. Năm 1946, ông Phạm Hùng được cử là Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1952, ông được chỉ định làm Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Phân Liên khu Đông Nam Bộ.
Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, ông được cử làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ và Trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế tại Sài Gòn. Năm 1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương. Năm 1957, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Tháng 4-1958, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa I, ông là Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1967, ông được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường miền Nam, làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Năm 1975, là Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Năm 1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, ông tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ (từ năm 1981 là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Từ năm 1980-1986, ông kiêm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (6-1987), ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, VI, VII, VIII. Ông Phạm Hùng mất ngày 10-3-1988 khi đang đi công tác tại TP HCM.
Bình luận (0)