Theo UBND tỉnh An Giang, nhu cầu cát san lấp phục vụ 2 công trình đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau là rất lớn, với trên 23,711 triệu m3. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 3 mỏ có giấy phép khai thác cát còn hiệu lực, với trữ lượng còn lại chưa phân bổ cho công trình khoảng 2,5 triệu m3.
Bên cạnh đó, An Giang còn 7 mỏ cát đang đóng cửa vì bị UBND tỉnh thu hồi giấy phép hoạt động sau kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trữ lượng cát còn lại có thể khai thác của 7 mỏ này khoảng 4 triệu m3. Do đó, cát vật liệu phục vụ các tuyến cao tốc trong khu vực ĐBSCL và những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh cũng như nhu cầu của người dân và xã hội ngày càng thiếu hụt.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt danh mục khu vực khai thác cát sông phục vụ các tuyến cao tốc ở ĐBSCL và các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn. An Giang cũng đã phê duyệt danh mục 25 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Điểm đầu tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang đợi cát san lấp để tiếp tục thi công
Cụ thể, với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua An Giang cần khoảng 9,321 triệu m3 cát, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn từ khu vực khai thác, nạo vét đang hoạt động; từ 6 khu mỏ đang đóng; từ khu vực quy hoạch khoáng sản thuộc nhánh sông Tiền đoạn Vĩnh Xương - Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu và khu vực nạo vét thông luồng giao thông thuộc nhánh sông Tiền đoạn rạch Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới để giao cho nhà thầu. Với đoạn qua Cần Thơ và Hậu Giang cần hỗ trợ 7,5 triệu m3 cát, UBND tỉnh An Giang phân bổ nguồn từ khu vực quy hoạch khoáng sản thuộc nhánh sông Tiền ở huyện Chợ Mới và từ khu vực quy hoạch khoáng sản thuộc nhánh sông Hậu ở huyện Châu Phú.
Với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần hỗ trợ 6,89 triệu m3 cát, UBND tỉnh An Giang phân bổ nguồn từ dự án nạo vét đang hoạt động và từ 3 khu vực thuộc quy hoạch khoáng sản để giao cho nhà thầu.
Ông Thái Minh Hiển, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, nhấn mạnh: "Tỉnh tập trung huy động nguồn khoáng sản vật liệu thông thường từ các mỏ, dự án nạo vét đang được phép hoạt động. Cùng với việc áp dụng "cơ chế đặc thù" cấp mỏ mới cho nhà thầu thi công theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, nguồn khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được đáp ứng".
Bình luận (0)