Không chỉ Phú Yên, nhiều địa phương khác cũng không có sinh phẩm xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ, trong khi ca bệnh đã xuất hiện ở Việt Nam.
Liên quan đến việc xét nghiệm ca bệnh nghi mắc đậu mùa khỉ, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết với ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên nước ta đã có những sinh phẩm làm được xét nghiệm để khẳng định ca bệnh. Bên cạnh đó, Việt Nam đã triển khai giải trình tự gien được ca bệnh. Trong thời gian tới chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu giải trình tự gien khi có những ca bệnh cần xét nghiệm. Theo hướng dẫn, bệnh đậu mùa khỉ được chẩn đoán qua xét nghiệm sinh học phân tử (PCR hoặc tương đương) với các bệnh phẩm dịch hầu họng (giai đoạn khởi phát), dịch nốt phỏng (giai đoạn toàn phát) đối với ca bệnh nghi ngờ để xác định căn nguyên. "Sinh phẩm xét nghiệm đậu mùa khỉ sẽ được phân bổ tới các địa phương. Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên cập nhật, phối hợp với các tổ chức quốc tế để bảo đảm cập nhật kịp thời sinh phẩm, phương pháp chẩn đoán, ít nhất là để phân biệt và kết luận được bệnh. Ngành y tế cũng sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế để có các sinh phẩm nghiên cứu, sinh phẩm thương mại để xét nghiệm" - GS Lân thông tin.
Đại diện Bộ Y tế cho biết hiện vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ đã được cấp phép lưu hành ở một số nước. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ nên cân nhắc tiêm phòng vắc-xin cho những đối tượng có nguy cơ (ví dụ người tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ).
Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để nghiên cứu sản xuất thuốc phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Đồng thời cập nhật xu thế nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu làm thuốc nêu trên, nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu và sản xuất thuốc.
Các chuyên gia y tế cũng nhận định bệnh đậu mùa khỉ khó lây nhiễm hơn so với các bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp khác như COVID-19, cúm... Vì vậy, việc cách ly các trường hợp nghi nhiễm ít có khả năng lây nhiễm chéo.
Bình luận (0)