Tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIV, sáng 25-10, QH thảo luận ở hội trường dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Còn chồng chéo, đổ trách nhiệm
Góp ý Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu (ĐB) QH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho biết trong những năm qua, cấp cơ sở cũng như người dân và doanh nghiệp phàn nàn về thủ tục thanh tra, kiểm tra còn rườm rà. Nguyên nhân là do việc phân cấp, phân quyền chưa được rõ ràng, còn chồng chéo. "Cái gì cũng phải báo cáo xin ý kiến, xin chủ trương, sinh ra nhiều cấp trung gian, nhiều quy định rườm rà. Đây là nguyên nhân của lãng phí, rào cản của phát triển" - ĐB Diến nêu thực tế.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - khẳng định nếu luật kỳ này sửa đổi một cách cụ thể hơn thì việc phân quyền, phân cấp của các cấp sẽ phát huy hiệu quả hơn, tránh lãng phí nguồn lực mà chúng ta đang có, cũng như tránh sự chồng chéo, trùng lắp.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng cần phân cấp, phân quyền rõ ràng để tránh sự chồng chéo, trùng lắp.Ảnh: NGUYỄN NAM
Bà Tâm cho rằng trong phân cấp, phân quyền, cần phân định việc gì là của các cấp trung ương, các bộ, ngành và việc gì thuộc về chính quyền địa phương. Đáng lẽ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc đó phải được quy định cụ thể, chỉ cần nhìn vào luật là cấp nào làm cái gì, thẩm quyền tới đâu, nhiệm vụ cụ thể như thế nào... Tuy nhiên, dự thảo luật lần này chỉ sửa trên nguyên tắc.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM góp ý phải xem Luật Tổ chức chính quyền địa phương là luật chính, luật trụ cột và các luật chuyên ngành căn cứ vào thẩm quyền được quy định của luật này để giao cho chính quyền địa phương làm gì đối với ngành và lĩnh vực đó.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh phải phân quyền phân cấp rạch ròi, việc nào của trung ương, việc nào của địa phương chứ không thể việc nhỏ của địa phương, việc lớn của trung ương. ĐB Hòa nhận xét: "Thời gian qua đã có phân cấp, phân quyền nhưng khi xảy ra sự cố thì trên đổ cho dưới, dưới đổ cho trên, đùn đẩy, sợ trách nhiệm".
Tìm người giỏi cho HĐND
Về biên chế, chức danh của HĐND, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, tinh gọn bộ máy, biên chế theo tinh thần nghị quyết của Đảng, tất cả đều phải làm, thực hiện. Tuy nhiên, tinh giản biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, không có nghĩa là cào bằng. "Nơi nào tổ chức bộ máy không tương ứng với nhiệm vụ thì phải điều chỉnh tăng, giảm cho phù hợp chứ không nên tinh giản một cách máy móc, cào bằng" - bà Tâm đề nghị.
Vị ĐB của TP HCM nhất trí với số lượng, cơ cấu nhân sự như trong dự thảo nhưng vấn đề là phải nâng cao chất lượng ĐB HĐND. "HĐND cấp tỉnh phải tăng biên chế, tăng số lượng ĐB chuyên trách HĐND. Cấp tỉnh nên có 2 phó chủ tịch. Nếu khó về biên chế thì cũng không nên cào bằng giữa các địa phương mà nên có độ mở cho đặc thù từng địa phương. Như TP HCM có 2 phó ban chuyên trách HĐND là cần thiết, nếu giảm sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả giám sát"- ĐB Quyết Tâm đề xuất.
ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cũng đề nghị giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có 1 chủ tịch và 2 phó chủ tịch hoạt động chuyên trách. Theo bà Hằng, trong nhiệm vụ của HĐND tỉnh, có 10 nhóm nhiệm vụ chính của thường trực HĐND tỉnh, chưa kể còn những nhiệm vụ khác. "Với xu hướng hiện nay, chính quyền cấp trên thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho cấp dưới, mà phân cấp tức là phân quyền. Do vậy, tăng cường giám sát là hết sức cần thiết. Nếu như chỉ có 1 phó chủ tịch hoạt động chuyên trách thì riêng việc đi họp cũng rất thiếu người" - ĐB Hằng lưu ý.
Trong khi đó, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng việc tăng hay giảm cán bộ chuyên trách HĐND phải căn cứ vào tình hình thực tế. Theo ông Hiểu, nên giảm chỗ cần giảm để tăng cho chỗ thực sự có nhu cầu, chứ không làm theo kiểu cơ học, cào bằng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là có cơ chế để thu hút cán bộ có năng lực vào bộ máy HĐND. Đây mới là cái gốc của vấn đề. "Tôi xin lỗi, có nơi người ta dùng từ "nghị gật" - tức là không hiểu tình hình địa phương, cứ ngồi thế thôi, không phát biểu được. Nhân dân thì "nóng" mà phát biểu ở HĐND cấp xã, cấp huyện thì lại rất "lạnh", không có đại biểu nào có ý kiến gì cả"- ông Hiểu nói.
Từ thực tiễn tình hình tại địa phương, ông Hiểu đề xuất phải tăng lên 2 phó chủ tịch cho cả UBND cấp xã loại III chứ không chỉ tăng cho xã loại II, bởi trong tương lai, chúng ta sẽ tiến hành sáp nhập. Lúc đó, quy mô cấp xã ngày càng to, nhiệm vụ ngày càng nhiều, nếu chỉ có 1 phó chủ tịch sẽ rất khó để giải quyết những vấn đề chuyên môn. "Ví dụ, một phó chủ tịch trưởng thành từ công tác văn xã sẽ khó có thể giải quyết tốt vấn đề đất đai, địa chính, nếu không cẩn thận sẽ làm sai luật. Đó là chưa nói đến hiện nay, mặt bằng chung trình độ cán bộ xã còn thấp" - ông Hiểu lưu ý thêm.
Chỉ còn 1 phó chủ tịch HĐND cấp huyện
Ủy ban Thường vụ QH đề nghị quy định giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn 1 người, đồng thời thống nhất với tờ trình của Chính phủ và tiếp thu theo đa số ý kiến của ĐBQH về tăng số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã loại II lên không quá 2 người.
Đối với HĐND cấp tỉnh, đa số ý kiến ĐB đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành (gồm 2 phó chủ tịch) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Bình luận (0)